Bất chấp những ảnh hưởng bất lợi của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 2 con số.
Các chuyên gia đánh giá hiện nay thị trường TPDN đã vươn lên trở thành kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế bên cạnh kênh dẫn vốn truyền thống là tín dụng của ngân hàng thương mại và huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 2 con số.
Theo các chuyên gia kinh tế của FiinGroup, mức lãi suất phát hành của TPDN trong năm 2022 sẽ tăng lên đáng kể so với năm 2021 vì nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do áp lực phát hành TPDN để tái tài trợ và huy động vốn để đầu tư mới. Thứ hai, do nền lãi suất huy động ngân hàng hiện đang rục rịch tăng trở lại. Thứ ba, nếu các điểm đề xuất sửa đổi trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 được thông qua sẽ thắt chặt tiêu chuẩn tham gia phát hành TPDN.
Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc phân bổ nguồn vốn đầu tư theo thời điểm để tối ưu hóa danh mục đầu tư và cả lưu ý “chọn mặt gửi vàng” với các sản phẩm trái phiếu có mức an toàn cao hoặc rủi ro thấp.
Để giúp nhà đầu tư sàng lọc và tránh các trái phiếu “4 không” (không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm, không niêm yết), chuyên gia FiinGroup đã nhấn mạnh đến một số giải pháp nhằm phòng tránh rủi ro.
Trước hết, nhà đầu tư cần sàng lọc cơ hội đầu tư thông qua việc tự trang bị kiến thức và đánh giá, phân tích rủi ro. Tiếp đến, nhà đầu tư sử dụng thêm các kết quả đánh giá độc lập, xếp hạng tín nhiệm làm tham chiếu.
Đồng thời, nhà đầu tư nên đa dạng hóa các kênh đầu tư có cùng đặc điểm như đầu tư vào các chứng chỉ quỹ, các quỹ mở…