vĐồng tin tức tài chính 365

Sốt đất ở nông thôn

2022-03-04 07:01

Một ngày cuối tháng 2, dọc hai bên quốc lộ 15B đoạn qua thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, hàng chục ôtô biển số Hà Tĩnh, Nghệ An... đậu nối đuôi nhau thành hàng dài. Cạnh xe, nhiều nhóm khoảng 4-5 người xúm lại, chỉ tay về các lô đất trống bên cạnh thảo luận giá cả.

Theo anh Nguyễn Văn Thành, trú tại thôn Lộc Thọ, hai năm trước, đất ở đây có giá 300.000-500.000 đồng một m2, nay tăng lên hơn 4 triệu đồng. Với những lô đất ngoài mặt đường, trước đây 3 triệu đồng một m2, nay nhiều khu vực tăng gấp 6-7 lần.

Ôtô của người môi giới đổ về xem đất ở thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến hồi cuối tháng 2. Ảnh: Hùng Lê

Nhiều ôtô đổ về xem đất ở thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến cuối tháng 2. Ảnh: Hùng Lê

Dọc hai bên quốc lộ 15B đoạn qua thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến có hơn 20 lô đất quy hoạch được bán đấu giá từ năm 2019 với giá 600-700 triệu đồng một lô diện tích 180 m2.

Một người dân sở hữu đất quy hoạch tại đây cho biết, tuần trước đã bán lô đất diện tích 180 m2 này với giá 1,5 tỷ đồng cho một người ở huyện khác. "Vừa thanh toán tiền và hoàn tất các thủ tục, vị khách kia đăng lên mạng rao bán lô đất trên với giá 1,8 tỷ đồng", ông kể.

Hơn 20 lô đất quy hoạch gần cụm công nghiệp Phù Việt, nơi dự kiến xây dựng nhà máy công nghiệp may xuất khẩu đều đã được bán cho người khác, song lúc này rất khó để tìm ra chủ sở hữu thực sự. Khi có khách đến đặt vấn đề mua, lập tức có khoảng 5 người môi giới đến "chào hàng" trên cùng một khoảnh đất.

"Lô đất này hôm 27/2 có người đặt cọc 2,5 tỷ đồng, sáng hôm sau tăng lên 2,7 tỷ đồng. Anh chị không mua nhanh, giữa tháng 3 giá sẽ lên hơn 3 tỷ đồng. Đến khi khu công nghiệp và thương mại xây lên phía đối diện thì có tiền cũng không mua nổi", một người đàn ông tự nhận là dân môi giới nói với khách.

Ông Bùi Trung Hậu, cán bộ địa chính xã Việt Tiến cho biết, từ cuối năm ngoái đến nay, giá đất tại thôn Lộc Thọ bắt đầu tăng khi có một số công ty về xin chủ trương khảo sát lập khu công nghiệp, thương mại. Cao điểm nhất vào cuối tháng 2/2022, khi tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy may mặc xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Phù Việt.

Theo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà, vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đồng ý cho một đơn vị khảo sát để lập khu quy hoạch vùng với diện tích 420 ha ở hai địa điểm, trong đó có xã Việt Tiến giai đoạn 2021-2030. Việc khảo sát là để quy hoạch khu công nghiệp, song mới chỉ là bước đầu.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, sau khi có một doanh nghiệp đề xuất được khảo sát và lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 làm dự án tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, trên diện tích hơn 480 ha, hôm 23/2.

Chủ tịch xã Yên Hòa, ông Trần Đình Cúc cho biết, địa bàn có khoảng 190 ha đất thuộc dự án. Từ tháng 6/2021, nhiều người từ huyện khác đã về xã mua đất. Đỉnh điểm là 5 ngày qua, khi tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp khảo sát thì xe cộ về đây luôn tấp nập.

"Đất trong xã cách trung tâm huyện 9 km, trước kia một lô 150 m2 giá vài trăm triệu đồng, nay tăng lên 2-3 tỷ đồng, chủ yếu là dân môi giới tự giao dịch với nhau", ông Cúc nói.

Tại huyện Đức Thọ, đất đưa ra đấu giá cũng có mức khởi điểm vài tỷ đồng một lô 160 m2. Ngày 24/1, một công ty đấu giá đóng ở TP Hà Tĩnh ra thông báo bán hồ sơ đấu giá 9 lô đất ở thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy. Khu vực này trước kia là đất ruộng bên quốc lộ 8A, cách trung tâm huyện Đức Thọ khoảng 8 km. Lúc chính quyền thu hồi, người dân sở hữu đất được đền bù hơn 160.000 đồng một m2.

Khi huyện Đức Thọ phê duyệt đấu giá, 8 lô đất diện tích 160 m2 mỗi lô ở thôn Hòa Bình có giá khởi điểm hơn 3,5 tỷ đồng. Lô còn lại diện tích hơn 260 m2, giá khởi điểm trên 4,7 tỷ đồng. Trung bình một lô có giá 18-22 triệu đồng một m2.

Đơn vị đấu giá dự kiến mở hồ sơ công bố kết quả vào ngày 21/2, nhưng không bán được bộ nào. Vì vậy giao dịch lần một bất thành. Đại diện công ty cho biết, giá khởi điểm các lô đất quá cao nên không có nhà đầu tư nào tham gia. Năm 2021, cũng tại khu vực này, một lô đất diện tích tương đương được chốt đấu giá hơn 1,5 tỷ đồng.

Khu vực có 9 lô đất ruộng ở thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, được đặt mức đấu giá khởi điểm một lô 3,5 tỷ đồng trở lên. Ảnh: Đức Hùng

Khu vực có 9 lô đất ruộng ở thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, có mức đấu giá khởi điểm 3,5 tỷ đồng một lô. Ảnh: Đức Hùng

Tương tự, tại thị trấn Đức Thọ, 12 lô đất diện tích 149-160 m2 mỗi lô ở khu vực Nhà Lay Trên cũng được đấu giá với mức khởi điểm hơn 4 tỷ đồng một lô. Công ty đấu giá dự kiến ngày 22/2 tổ chức đấu giá, song sau gần một tháng chỉ bán được hai hồ sơ.

Đại diện Phòng Tài chính kế hoạch huyện Đức Thọ cho biết, mức giá khởi điểm căn cứ vào giá thị trường, các khu vực đất đấu giá có nhiều điểm lợi thế bởi nằm trong quy hoạch đô thị và gần cao tốc Bắc - Nam. Sắp tới, nếu thêm hai lần bán hồ sơ nhưng vẫn không có người tham gia thì sẽ hạ giá khởi điểm xuống.

Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nửa quý đầu năm 2022 đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đất đai như: đăng ký biến động hơn 7.000; chuyển nhượng, tặng cho hơn 9.000; trích đo, tách thửa gần 5.000... Các huyện có đất nông thôn như Thạch Hà, Cẩm Xuyên có hồ sơ phải xử lý nhiều nhất với hơn 9.000 bộ. Trong khi đó, năm 2020, tổng giao dịch phải xử lý của cả tỉnh khoảng 84.000 hồ sơ, năm 2021 hơn 122.000.

Ông Lê Quốc Hùng, Trưởng phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Tĩnh cho rằng, giá thị trường bất động sản sôi động nhìn chung là tốt, giúp cho những người có đất được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo ông, cơ quan chuyên môn cần tuyên truyền các thông tin liên quan quy hoạch và giao dịch mua bán một cách minh bạch, tránh để tình trạng người dân chạy theo đồn thổi, thiệt hại cho bản thân trong đầu tư bất động sản.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra tình trạng "sốt đất" từ nông thôn đến thành thị. Tại các xã thuộc Khu kinh tế Vũng Áng như Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, Kỳ Lợi, Kỳ Long... người dân luôn bận rộn tiếp đón khách lạ từ tỉnh khác đến hỏi mua đất.

Tại đây, biển rao bán đất kèm số điện thoại được gắn vào cột điện hoặc sơn chi chít trên bờ tường, hàng trăm điểm giao dịch bất động sản mọc lên. Một lô đất ban đầu giá khoảng một tỷ đồng, sau đó được mua đi bán lại với giá đội lên gấp 4-5 lần.

Đức Hùng

Xem thêm: lmth.5124344-hnit-ah-noht-gnon-tad-tos/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sốt đất ở nông thôn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools