Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh Mỹ và EU tăng cường các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đối mặt một số tác động tiêu cực, nhất là các tổ chức đang có liên quan hoặc hợp tác trực tiếp với tổ chức tài chính quốc tịch Nga.
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Nga thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.
"Để có cơ sở báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại báo cáo về tình hình hợp tác giữa ngân hàng với thị trường Nga, bao gồm quan hệ đại lý, doanh số thanh toán, chuyển tiền, các dự án hợp tác, khó khăn, vướng mắc…", văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về các tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với việc xử lý giao dịch cho khách hàng, đặc biệt về tình hình công nợ hai chiều.
Ngoài ra, cơ quan quản lý tiền tệ cũng yêu cầu các ngân hàng đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thanh toán chuyển tiền với thị trường Nga trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 2/3, Liên minh châu Âu (EU) đã loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, do các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo công bố chính thức của EU, bảy ngân hàng bị loại khỏi SWIFT gồm Ngân hàng VTB – ngân hàng lớn thứ hai của Nga, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Ngân hàng Rossiya, Sovcombank và VEB (Vnesheconombank). Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Việc Nga bị loại khỏi SWIFT đồng nghĩa các ngân hàng Nga sẽ không thể liên kết an toàn với các ngân hàng bên ngoài biên giới Nga.
SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống thông tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng. Với khả năng cho phép các ngân hàng xử lý một lượng giao dịch lớn nhanh chóng và an toàn, SWIFT được xem là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế và được hàng nghìn tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia sử dụng.
Sberbank - ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga và Gazprombank không có trong danh sách bị loại khỏi SWIFT vì là các kênh thanh toán chính cho dầu và khí đốt của Nga. Bất chấp xung đột, EU vẫn đang mua dầu và khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, quan chức EU nói thêm rằng sẽ có các biện pháp khác cho 2 ngân hàng này. Việc này cho thấy phương Tây vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga, ít nhất là trong ngắn hạn.
VTV.vn - So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu Sberbank (ngân hàng lớn nhất của Nga) trên sàn chứng khoán London đã mất 99,9% giá trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!