Ngân hàng BIDV mới đây đã ra thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga với số dư nợ gốc và nợ lãi tính đến 2/7/2021 là 475 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc của khoản vay là 267 tỷ và dư nợ lãi, phí phạt chậm trả là 208 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng hai bên thực hiện từ năm 2010.
Giá khởi điểm của khoản nợ này là gần 269 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ so với mức chào bán lần đầu và chỉ nhỉnh hơn khoảng 2 tỷ đồng so với dư nợ gốc.
Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 10 BIDV rao bán khoản nợ này. Trong 9 lần rao bán trước đó, dù đã liên tục giảm giá khởi điểm của khoản nợ, ngân hàng vẫn không thể thanh lý.
BIDV cho biết khoản nợ của Thép Việt Nga đang được đảm bảo bằng nhiều tài sản là bất động sản và nhà xưởng thuộc sở hữu của công ty và các cá nhân có liên quan.
Trong đó bao gồm, 2 lô đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ C12/20A, Ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp.HCM và số 4377, tờ bản đồ số 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp.HCM, đều thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Kim Khí Long An.
Bên cạnh đó, 2 lô đất và nhà xưởng thuộc sở hữu của bà Lê Thị Hương Giang tại đia chỉ C12/15A và C12/15E tại Ấp 3, Quốc lộ 1A, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp.HCM cũng là tài sản được đảm bảo cho khoản vay của Thép Việt Nga.
Ngoài ra, khoản vay còn có tài sản đảm bảo là lô đất, nhà trên đất và tài sản khác tại địa chỉ 202/5 Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM thuộc sở hữu của ông Đinh Hồng Minh; quyền thuê lại quyền sử dụng đất tại Lô B081 - 082, đường số 1, Khu công nghiệp Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và nhà xưởng trên lô đất thuê lại này.
Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 7/2006, Công ty thép Việt Nga hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán sắt thép, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Thép Việt Nga là đơn vị nhập khẩu thép từ nhiều công ty trên thế giới như Tetsusho Kayaba Corporation, Bluescope Steel Limited, ArcelorMittal Singapore Private Limited, New Zealand Steel Limited… Công ty có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, do ông Đinh Thái Bình - Giác đốc công ty sở hữu 80% và bà Lê Thị Hương Giang nắm giữ 20%.
Trong những năm gần đây, tình hình kinh doanh đình trệ, thua lỗ đã khiến cho công ty này lâm vào tình trạng khủng hoảng. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Thép Việt Nga ở mức 638,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu tại thời điểm này đã âm 287,4 tỷ đồng.
Không riêng khoản nợ của Thép Việt Nga, BIDV đang lựa chọn tổ chức thẩm định và bán đấu giá nhiều khoản nợ khác với giá trị từ vài trăm cho tới hơn nghìn tỷ đồng, gồm khoản nợ và tài sản đảm bảo của khoản vay phát sinh tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng, khoản nợ của Công ty TNHH TM và Dịch Vụ Hải Gia, khoản nợ của Công ty Cổ phần Hồ Tây, Dự án Nhà máy Thủy điện Tân Thượng do Công ty Cổ phần Năng Lượng Tân Thượng làm Chủ đầu tư...
Năm 2021, BIDV là ngân hàng đứng thứ 3 về tỉ lệ nợ xấu với 13.245 tỷ đồng, chỉ sau VPBank và Vietinbank. Dù vậy, mức nợ xấu này đã giảm mạnh 38% so với cùng kỳ. Tỉ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020. Đặc biệt, tỉ lệ bao phủ nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây.