Anh Nguyễn Hải A. (36 tuổi, Hà Nội) nhiễm COVID-19 từ 12/1 và được xác định khỏi sau đó 10 ngày. Trong giai đoạn nhiễm COVID -19 cấp, bệnh nhân chỉ có biểu hiện nhẹ là chảy dịch mũi và đau mỏi người. Sau nhiễm COVID gần 1 tháng, anh A. xuất hiện hụt hơi khi nói câu dài và cảm thấy khó thở khi đi lại nhanh. Tại Phòng khám chuyên khoa Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) qua thăm khám, chụp phim và đánh giá chức năng hô hấp, bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương phổi kẽ, khả năng liên quan đến COVID-19 có rối loạn thông khí hạn chế. Ngoài việc được kê thuốc điều trị, anh A. được bác sĩ hướng dẫn tập thở và vận động để phục hồi chức năng hô hấp, thể lực.
Tại Phòng khám chuyên khoa Hô hấp nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có các triệu chứng kéo dài vài tuần tới vài tháng, một số trường hợp để lại di chứng nặng nề. Các triệu chứng hay gặp sau nhiễm COVID-19 biểu hiện ở đa cơ quan, trong đó các biểu hiện về hô hấp là phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy: ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến, gặp từ 42 - 66% trong vòng 3 tháng sau nhiễm COVID -19. Ngoài ra, sau giai đoạn COVID-19 cấp tính thì 25% số bệnh nhân giảm hoạt động thể lực bằng việc khoảng cách đi bộ 6 phút thấp hơn giá trị tham chiếu bình thường.
Thống kê cho thấy 50-60% bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 với triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp Xquang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương. Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim Xquang ngực thẳng thông thường.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách đơn nguyên COVID-19 (Bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội), cho biết trung bình có hơn 100 bệnh nhân khám hậu COVID-19 mỗi ngày. Gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp hậu COVID-19 có những triệu chứng nặng. Các triệu chứng hậu COVID-19 chủ yếu là khó thở, hụt hơi, mất ngủ, khó tập trung, bệnh nhân rối loại tiêu hóa. Đối tượng thường gặp là người già, có bệnh lí nền. Cá biệt có trường hợp bệnh nhân trẻ suy hô hấp rất nặng hoặc có người phải vào điều trị hậu COVID-19 lần thứ ba.
“Khi tiếp nhận bệnh nhân hậu COVID-19 chúng tôi nhận thấy ở biến chủng Detal, bệnh nhân mắc các triệu chứng rất nặng nhưng hậu COVID-19 không rõ ràng. Tuy nhiên, người nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ nhưng hậu COVID-19 lại nặng nề hơn”, bác sĩ Hường nói.
Bệnh nhân đến đăng kí khám hậu COVID-19 tại BV Bạch Mai Ảnh: T.H |
Bác sĩ này lưu ý thêm: “Sau khi bệnh nhân COVID-19 xuất viện, chúng tôi cần căn cứ vào việc dùng thuốc của F0 sau điều trị để có cách xử trí phù hợp. Ngoài ra, những người có bệnh lí nền sau khi khỏi COVID-19 cần tới tái khám trong một tuần đầu tiên, để được xét nghiệm và tiên lượng, qua đó can thiệp sớm nếu cần thiết”.
Theo dõi triệu chứng bất thường và dự phòng di chứng
PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết: “Hội chứng COVID-19 kéo dài” hay “Hội chứng hậu COVID-19” biểu hiện đa dạng và có thể gặp các triệu chứng ở nhiều cơ quan. Ngoài các triệu chứng hô hấp như ho khan kéo dài, ho khạc đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực thì người bệnh có thể có biểu hiện về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa; về sức khỏe tâm thần có thể thấy mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc; biểu hiện về thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não), … Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác, trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID. Bác sĩ Phương lưu ý: “Đối với người trẻ không có triệu chứng khi nhiễm bệnh vẫn có thể mắc hội chứng hậu COVID-19 nên không được chủ quan”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10 đến 20% bị ảnh hưởng lâu dài, biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, được gọi là tình trạng “hậu COVID-19”. Thường sau khoảng 4 tuần bị lây nhiễm, người bệnh sẽ có các triệu chứng hậu COVID-19. Tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở cả những người không triệu chứng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm.
PGS.TS. Phan Thu Phương khuyến cáo, để dự phòng di chứng hậu COVID-19, việc quan trọng đầu tiên là tiêm vắc xin. Thứ hai, khi không may nhiễm bệnh cần tuân thủ khai báo y tế tại địa phương để được quản lí và phân tầng với các mức độ từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Ngoài ra, người bệnh theo dõi sức khỏe nếu phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít; nhịp thở ở người lớn ≥ 20 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả… phải thông báo ngay với cơ sở quản lí người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Thứ ba, khi có bất kì bất thường nào về sức khỏe sau khi nhiễm COVID-19, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám hoặc liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn, nhằm phát hiện sớm các di chứng, biến chứng, bệnh lí mắc phải để điều trị kịp thời, hiệu quả.
Theo Hà Minh
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.9935358061302202-91-divoc-uah-mahk-id-nac-ueih-uad-gnuhn/nv.zibefac