Ngày 16-3 ông Trần Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay nguồn nước trên sông Giồng Trôm bị nhiễm mặn 2-4 ‰ ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước Lương Qưới.
Để có nguồn nước ngọt, công ty đã thuê 7-8 chiếc sà lan luân phiên chở nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền về cung cấp cho nhà máy nước Lương Qưới xử lý, để cung cấp cho khách hàng.
Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bến Tre thuê sà lan chở nước ngọt về nhà máy nước xử lý, cấp cho dân. Ảnh: ĐÔNG HÀ
“Sau Tết Nguyên đán 2022, trong tháng 2 và tháng 3- 2022, công ty thuê sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn về nhà máy nước Lương Qưới, mỗi tháng một đợt và mỗi đợt 5 ngày để cung cấp nước cho người dân. Từ tháng 3 đến tháng 6, mỗi tháng nhà máy nước sẽ cấp nước ngọt hai đợt vào giữa tháng và cuối tháng với khoảng 70.000m3 cung cấp cho người dân. Mỗi đợt sà lan sẽ chở liên tục trong 5 ngày”– Ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đã thông báo đến khách hàng thường xuyên theo dõi mốc thời gian cấp nước ngọt cố định theo từng đợt để chủ động lấy nước dự trữ và sử dụng tiết kiệm để đảm bảo lượng nước dự trữ trong từng đợt đủ để sử dụng.
Hiện nhà máy nước Lương Qưới cung cấp nước máy cho gần 17.000 khách hàng trên địa bàn các xã: Mỹ Thạnh, Phong Nẫm, Lương Hòa, Lương Quới,, Châu Hòa, Bình Hòa, Bình Thành, Tân Thanh, Thị trấn Giồng Trôm, và một phần xã Hưng nhượng.
Ông Hùng cũng cho biết, do phải thuê sà lan chở nước ngọt thô từ thượng nguồn sông Tiền về xử lý nên chi phí sản xuất tăng, chi phí phát sinh thêm khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi tháng.
Nước ngọt được bơm từ sà lan về nhà máy nước Lương Qưới. Ảnh: ĐÔNG HÀ
“Việc phát sinh thêm chi phí sẽ làm giảm lợi nhuận của công ty. Công ty sẽ cân đối từ các nguồn từ các nhà máy nước ở các khu vực khác như: TP.Bến Tre, Châu Thành để bù vào nên giá nước không tăng, bình quân 10.000 đồng/m3”- Ông Hùng khẳng định.
Ông Hùng nói, đây là năm thứ 2 liên tục công ty thuê sà lan chở nước ngọt về nhà máy nước Lương Qưới để phục vụ nước ngọt sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn mặn. Trước đó vào mùa hạn mặn năm ngoái, công ty thuê sà lan chở nước ngọt liên tục để cấp cho nhà máy nước Lương Qưới phục vụ khách hàng.
Theo ông Hùng, ngoài nhà máy nước Lương Quới, hiện các nhà máy nước khác của công ty đó là: nhà máy nước An Hiệp (huyện Châu Thành), nhà máy nước Sơn Đông (TP. Bến Tre) và Nhà máy nước Hữu Định (xã Hữu Định, huyện Châu Thành). Các nhà máy nước mỗi ngày đêm cung cấp khoảng 70.000 m3 nước phục vụ trên 75.000 hộ dân ở TP Bến Tre, huyện Châu Thành và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn về nhà máy nước. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Năm nay các nhà máy nước này ít chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn nhờ có các công trình cống, đập do tỉnh, huyện hoặc do công ty đầu tư nên cơ bản ngăn được mặn, tạo được “túi” nước ngọt trên sông Mả và sông Ba Lai đảm bảo nguồn nước ngọt cho các nhà máy nước.