Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1) - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Theo Sở Y tế TP.HCM, mỗi năm có khoảng 2% trong tổng số bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu được đưa sang Bệnh viện Hồng Đức mổ. Trong 7 năm qua, Sở Y tế và bệnh viện chưa nhận được khiếu nại nào từ các bệnh nhân này.
Chiều 17-3, lãnh đạo Sở Y tế, đại diện Sở Thông tin và truyền thông, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã họp về vụ việc một tạp chí đăng tải thông tin "Bệnh viện Ung bướu TP.HCM câu bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ… dưới mác liên kết chuyên môn".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau cuộc họp, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết năm 2014, xuất phát từ tình hình quá tải của Bệnh viện Ung bướu, bệnh viện này đã xin chủ trương UBND TP.HCM về việc liên kết chuyên môn với Bệnh viện Hồng Đức trong việc tổ chức phẫu thuật cho các bệnh nhân có nhu cầu với mục tiêu giảm tải, thực hiện chủ trương hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế của Chính phủ, Bộ Y tế và lãnh đạo TP.HCM.
Theo bà Huỳnh Mai, lúc đó cơ sở Bệnh viện Ung bướu chật hẹp, một bệnh nhân có khối bướu lành muốn mổ tại Bệnh viện Ung bướu phải đợi 6 tháng và bướu ác phải đợi 2 - 3 tháng mới được mổ.
Ngày 14-1-2015, UBND TP đã có công văn chấp thuận cho phép hợp tác chuyên môn giữa Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Hồng Đức nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm quá tải cho Bệnh viện Ung bướu. Sau đó Bệnh viện Ung bướu đã lập đề án liên kết chuyên môn với Bệnh viện Hồng Đức và được giám đốc Sở Y tế phê duyệt qua quyết định số 4032/QĐ-SYT ngày 31-8-2015.
Theo Bệnh viện Ung bướu, khi bệnh nhân có yêu cầu được mổ tại Bệnh viện Hồng Đức, bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho bệnh nhân, thân nhân về các quyền lợi, mức chi phí dự kiến và bệnh nhân, thân nhân sẽ ký xác nhận về việc đã được thông tin và tự nguyện lựa chọn được điều trị ở Bệnh viện Hồng Đức.
"Mỗi năm Bệnh viện Ung bướu có khoảng 2% trong tổng số bệnh nhân của bệnh viện được đưa sang Bệnh viện Hồng Đức mổ. Trong số 2% bệnh nhân này có tới 40% bệnh nhân có bảo hiểm y tế, vẫn được hưởng quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế", bà Huỳnh Mai thông tin thêm.
Trong 7 năm qua, Sở Y tế, Bệnh viện Ung bướu chưa nhận được khiếu nại gì từ những người bệnh khi được chuyển sang Bệnh viện Hồng Đức mổ.
Trước đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở Y tế TP.HCM báo cáo về việc Bệnh viện Ung bướu "câu" bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ.
Bà Huỳnh Mai cho biết sở sẽ có báo cáo với Bộ Y tế về vụ việc này dựa trên nội dung buổi họp chiều nay.
Về một bệnh nhân được nêu tên cụ thể trên tạp chí, theo Bệnh viện Ung bướu, bệnh nhân này phải thanh toán hơn 17 triệu đồng, trong đó 6 triệu đồng là chi phí phẫu thuật (vẫn được giữ nguyên từ khi đề án được Sở Y tế phê duyệt từ năm 2015 đến nay cho phẫu thuật cắt thùy giáp).
Trong 6 triệu đồng này, Bệnh viện Ung bướu sẽ được nhận 70% để bồi dưỡng cho kíp phẫu thuật và nộp vào ngân sách chung của bệnh viện. Hơn 11 triệu đồng còn lại là tiền giường, xét nghiệm, thuốc, vật tư, dịch vụ đi kèm khác… Bệnh viện Hồng Đức thu theo phát sinh trên thực tế, Bệnh viện Ung bướu không hưởng thêm bất kỳ khoản nào từ các khoản này.
TTO - Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết đã nhận được phản ánh về việc "Bệnh viện Ung bướu TP.HCM "câu" bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ dưới mác liên kết chuyên môn".
Xem thêm: mth.25665341151302202-om-cud-gnoh-gnas-aud-uoub-gnu-neiv-hneb-nahn-hneb-2-mch-pt-et-y-os/nv.ertiout