Dạo gần đây, cả giới kinh doanh Việt Nam – nhất là mảng xuất khẩu, đang cảm thấy vô cùng hoang mang bởi ‘vụ nghi lừa đảo lớn nhất ngành điều Việt Nam’ với trị giá tầm 1.000 tỷ đồng.
Đầu tiên, trong công văn gửi mà Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) gửi các Bộ ngành, thông tin đầu tiên là có khoảng 100 container đến các cảng của Ý, trị giá khoảng vài trăm triệu USD, có dấu hiệu là bị lừa đảo. Tuy nhiên, vài ngày sau, Vinacas gửi thông tin xác nhận lại là có 36 container bị mất quyền kiểm soát.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Vinacas, lô hàng 36 container này trị giá trên 7 triệu USD, tương đương 162 tỷ đồng. Hiệp hội đã nhận đơn cầu cứu của 5 doanh nghiệp, đề nghị hỗ trợ vì không còn khả năng giải quyết vụ việc, bởi họ đã mất quyền kiểm soát.
Những container điều này đã xảy ra những dấu hiệu bất thường như chứng từ mất liên lạc từ các ngân hàng bên Ý, hoặc doanh nghiệp không nhận được câu trả lời rõ ràng về bộ chứng từ gốc.
Vinacas tổ chức họp báo chiều tối ngày 9/3 để hỗ trợ các thành viên giải quyết vụ việc. Ảnh: Nguyên Vỹ
Hơn ai hết, “vua hồ tiêu” Phan Minh Thông – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Phúc Sinh chính là người hiểu rõ tâm trạng của chủ 36 container nói trên nhất, bởi bản thân anh và Phúc Sinh từng là nạn nhân của kiểu lừa đảo này.
Anh từng viết lại trải nghiệm kinh hoàng ‘Suýt bị lừa’ này trong 2 quyển sách của mình tên là "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh" và "Vượt lên, những con đường kinh doanh". Lúc đó, anh Phan Minh Thông mới khởi nghiệp và phi vụ xuất khẩu 37 container tiêu đó lớn nhất trong lịch sử công ty. Tức là nếu anh bị lừa thành công, nguy cơ phá sản là hiện hữu.
Câu chuyện có thể tóm tắt như thế này: Năm 2015, anh Thông có tham dự hội chợ Anuga để giới thiệu các sản phẩm của mình như tiêu. Tại hội chợ đó, anh Thông có gặp người khách tự xưng là Mike Tyson đến từ công ty tên Varna – Bulgari.
Sau khi về Việt Nam, dù Phúc Sinh chưa gửi email lại để chào hàng, song vị khách tên Mike Tyson đã chủ động liên lạc bằng email và fax, đề nghị mua 50 container hạt tiêu. Tuy nhiên, vì đơn hàng quá lớn và thời gian gấp, sau thời gian ngắn chạy vạy, Phúc Sinh chỉ gom được 37 container và sau khi kỳ kèo mặc cả, họ chốt được giá 6.300 USD/tấn.
"Sau một hồi trao đổi và đàm phán, khách hàng chấp nhận giá đó. Tuy nhiên đến khi đàm phán điều kiện thanh toán thì bắt đầu có nhiều vấn đề nảy sinh.
Chúng tôi yêu cầu thanh toán 20% trước và phần còn lại thì fax chứng từ xuất khẩu cho họ, họ sẽ thanh toán cho chúng tôi. Nhưng họ không chịu, họ nói là CAD 100% tại ngân hàng họ, điều này quá rủi ro và chúng tôi, với lô hàng đến 3,263 triệu USD, gần 53 tỷ, không dễ gật đầu khi tôi chỉ gặp họ có một lần duy nhất ở hội chợ mà thôi.
Trong trường hợp này, với kinh nghiệm của tôi hiện nay là sẽ bay đến gặp họ và nói chuyện, tuy nhiên thời điểm đó là năm 2007, tôi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và Công ty mới 5 tuổi", anh Thông bày tỏ.
Tiếp theo, đối tác đã chấp nhận ứng trước 10% song phần còn lại họ vẫn kiên quyết thanh toán nhờ thu qua ngân hàng của họ. Nhờ thu qua ngân hàng của họ không phải là ý kiến không hay: Nếu họ có tiền thanh toán thì ngân hàng sẽ giao bộ chứng từ, còn không thanh toán thì ngân hàng vẫn giữ bộ chứng từ, đó là phương thức nhờ thu.
Sau đó, Phúc Sinh liên hệ đi liên hệ lại với ngân hàng hỏi xem mức độ an toàn của phương thức thanh toán này, ngân hàng nói là nếu ngân hàng nhờ thu tốt thì khá an toàn. Vậy nên, Phúc Sinh đã yên tâm đi khắp nơi gom hàng.
Tuy nhiên, sau đó người tên Mike Tyson lại đề nghị được thanh toán qua ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, dù công ty Varna mới đầu giới thiệu là ở Bulgari. Nghe tới đây, hẳn chúng ta sẽ cảm thấy quen quen, bởi các công ty điều nói trên cũng được những kẻ lừa đảo đề nghị thanh toán qua ngân hàng ở Thỗ Nhĩ Kỳ.
"Ngân hàng mà chúng tôi dùng dịch vụ là Vietcombank (VCB), họ đã cảnh báo chúng tôi rằng đây là giao dịch lớn và yêu cầu bên mua cung cấp tên ngân hàng. Chúng tôi làm theo và thấy tên ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ khá nổi tiếng, có thứ hạng cao, an toàn. Thế là chúng tôi xác nhận và làm hợp đồng mua bán", CEO Minh Thông kể tiếp.
Rồi chỉ ít ngày sau đó, khi Mike Tyson biết hàng đã xuống tàu rời Việt Nam thì ngày nào cũng giục Phúc Sinh đưa số vận đơn. Lúc nayc, anh Phan Minh Thông cảm thấy khá nghi ngờ. Với linh cảm sắp có chuyện chẳng lành và anh từng đọc được ở đâu đó rằng "sẽ bị lừa đảo nếu có số phát chuyển nhanh’’, vị doanh nhân này đã dặn kỹ nhân viên mình là dù như thế nào cũng không bao giờ thông báo số vận đơn cho khác hàng.
"Chúng tôi gửi chứng từ nhờ thu qua VCB và họ dùng dịch vụ DHL để gửi chứng từ tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Để chắc ăn, chúng tôi nhờ VCB kiểm tra và thông báo ngân hàng này tốt. Thế là chúng tôi yêu cầu VCB gửi chứng từ đến ngân hàng này. Trong lúc đó, tôi liên tục nhận được email, fax và điện thoại từ Mike Tyson gọi hỏi về số DHL. Chúng tôi chỉ trả lời rằng chúng tôi kiểm tra với ngân hàng và sẽ thông báo sau.
Tuy nhiên trong lúc này, tôi linh cảm là khách hàng không đàng hoàng và hai ngày sau, VCB nhận được một điện từ ngân hàng mới của Thổ Nhĩ Kỳ đại ý: họ nhận được bộ chứng từ và họ thấy Varna không phải khách của họ cũng như họ cảm thấy có sự lừa đảo nên gửi trả lại bộ chứng từ. Chúng tôi nhận điện từ ngân hàng mà lòng vô cùng lo lắng.
Một ngày sau, chứng từ về tới Sài Gòn. Cầm trên tay bộ chứng từ mà tôi vẫn còn đầy cảm giác lo sợ xen lẫn vui mừng! Kinh doanh là thế. Hãng tàu thông báo tàu đã cập cảng Varna, Bulgari. Hàng sẽ được dỡ ra và xếp tại cảng Varna", anh Thông hồi tưởng.
Hiện Phúc Sinh là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hàng đầu Việt Nam và thế giới.
Dù đã nhận được chứng từ gốc, nhưng Phúc Sinh không dễ dàng đưa hàng về lại Việt Nam mà phải trải qua rất nhiều trúc trắc cũng như thời gian chờ đợi vài tuần – với anh Thông là ‘dài dằng dặc’.
Đọc qua câu chuyện của Phúc Sinh và 5 công ty điều phía trên chúng ta có thể thấy nhiều điểm giống nhau: khách hàng đều mới – Phúc Sinh thì bán trực tiếp còn các công ty điều có qua môi giới quen thuộc - Công ty Kim Hạnh Việt.
Ngân hàng thanh toán ở nước ngoài là ở Thổ Nhĩ Kỳ, Phúc Sinh còn lấy lại được chứng từ gốc, còn các doanh nghiệp điều vẫn chưa. Nhờ thế, dù tự thân vận động, Phúc Sinh vẫn lấy lại được hàng, còn các doanh nghiệp điều dù chưa tìm được chứng từ gốc xong lại được Vinacas và các cơ quan chức năng của Việt Nam hỗ trợ, nên vẫn không bị mất hàng.
"Có thể nói, vụ của Phúc Sinh và vụ của các công ty điều vừa qua đều có cùng mánh khóe lừa đảo y hệt nhau. Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là hai hàng ổ chính của bọn lừa đảo theo hình thức này, còn ở các nước phát triển thì tôi không thấy mấy. Vậy nên, khi một đối tác lạ đề nghị được thanh toán qua các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, thì các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặc biệt cẩn thận.
Còn một khi nghi ngờ đối tác đang lừa đảo mình, thì doanh nghiệp Việt mình nhất định không cho số chuyển phát nhanh chứng từ của DHL và các ngân hàng trung tâm không cho hàng về Thổ Nhĩ Kỳ nếu cảng tới là nước khác.
Với trường hợp của 5 công ty điều, thì họ đã được Nhà nước hỗ trợ và giữ lại được hàng rồi. Sau khi chứng minh mình đã gặp những kẻ lừa đảo, thì các công ty điều có thể yêu cầu hãng tàu phát hành bill gốc cho mình để xử lý. Theo đó, may mắn là các doanh nghiệp điều đã không bị mất hàng, chỉ trả phí luật sư và cước tàu", anh Phan Minh Thông nhận định.
http://tintuc.vdong.vn/03/1276013.htmQuỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị