“Cò" đất môi giới cho khách hàng dự án tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: TỰ TRUNG
Ở Mỹ người dân rất ngại khi có nhà, đất mà không ở, không cho thuê, dự án được cấp phép không đầu tư, có đất nông nghiệp không sử dụng, không sinh lợi cho xã hội bị đánh thuế rất cao, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi trả lời chất vấn về giải pháp chống đầu cơ đất đai. Còn thực tế ở Việt Nam luôn ngược lại.
Tại Việt Nam, bạn bè gặp nhau thường khoe mua thêm được mảnh đất chỗ này, căn nhà chỗ kia đầy tự hào. Chẳng mấy ai lo lắng phải xoay tiền đóng thuế do có nhiều nhà đất. Và ai cũng tin chắc rằng, cứ giữ mảnh đất ấy, căn nhà ấy, có bỏ hoang cũng chẳng sao, chờ giá lên, có lời, mất mát gì đâu.
Chính sách nào, thực trạng ấy. Những khu đất hoang, nhà hoang ngày càng nở rộ ở khắp các đô thị trên cả nước. Chẳng mấy ai bị thôi thúc phải đưa đất vào khai thác, kinh doanh vì giá còn lên nữa, vì có ai đánh thuế người bỏ đất hoang đâu...!
Tâm lý có tiền mua nhà, đất nay loang ra đất phân lô ở tỉnh. Mua đi, bán lại, lướt sóng đất đai là "chôn tiền" vào đất nhưng nó đang trở thành xu hướng "đầu tư" của số đông. Họ tin rằng "đất không đẻ thêm đất" nên ôm đất chỉ có lãi. Hệ quả là đất bỏ hoang sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Đất đai là tài sản đặc biệt, là tư liệu sản xuất đầu vào của hầu hết các ngành, luôn cần "bàn tay" điều tiết Nhà nước để nguồn lực này phục vụ cho sự phát triển chung, đem lại lợi ích cho số đông người dân.
Năm 2019, Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ tìm giải pháp khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai bằng chính sách thuế. Giải pháp được vạch ra là những người sử dụng nhiều nhà đất bỏ hoang thì bị đánh thuế cao, nhưng đến nay vẫn chưa cụ thể được chính sách thuế này.
Bộ Tài chính nhiều lần đề xuất thu thuế tài sản với nhà, đất ở nhưng đều gặp phải phản ứng từ dư luận như đánh thêm thuế tài sản là thuế chồng thuế, rồi bởi kinh tế đang khó sao lại đánh thêm thuế...!? Dù rằng việc ban hành thuế mới với đất ở là sự thay đổi cơ chế tài chính đất đai. Sẽ có những sắc thuế, loại phí phải bỏ đi khi áp thuế tài sản để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế.
Đặc biệt là muốn áp thuế cần phải có lộ trình nhiều năm, đâu phải muốn là làm ngay được. Đó phải là một lộ trình nhiều năm để xây dựng dữ liệu, là các kịch bản để thị trường bất động sản làm quen với không có thuế và có thuế, là phải sửa Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở và ban hành Luật thuế tài sản...
Cứ bàn mãi, nói mãi về thuế nhà đất mà không hành động, dòng vốn chảy vào đất vẫn không ngừng. Đất, nhà bỏ hoang khắp nơi. Giá nhà, đất tăng có lợi cho một bộ phận người đầu tư nhưng ngược lại là gánh nặng cho người sản xuất kinh doanh, cho chính quyền khi đền bù thu hồi đất thực hiện các dự án công ích, cho đại đa số người dân cần nhà ở.
Chính sách thuế hiện nay đang khuyến khích đầu tư vào đất, chấp nhận thực trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí. Chưa thấy rõ bàn tay điều tiết của Nhà nước để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, để hướng thị trường bất động sản phục vụ số đông người dân. Bỏ hoang nhà, đất không phải trả thuế, chẳng trách sao ai có tiền cũng đi mua đất!
TTO - Chiều 16-3, bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường như: Quy hoạch, quản lý, đấu giá, chuyển nhượng, sử dụng đất... Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp sóng trực tiếp, mời bạn đọc đón xem.
Xem thêm: mth.38835048081302202-ol-am-uad-euht-hnad-ia-tad-gnaoh-ob/nv.ertiout