Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Công văn 816 về việc tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học.
Theo đó, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018, môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh) và môn Tin học sẽ là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy học từ lớp 3 năm học 2022 - 2023.
Để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học từ năm học 2022-2023, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT thực hiện một số nội dung sau:
Học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú trong một giờ học tiếng Anh với thầy nước ngoài. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức mạng lưới trường học, các điểm trường, lớp học cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học.
Có phương án kịp thời đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT đáp ứng các điều kiện để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học theo lộ.
Về đội ngũ giáo viên: Tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp tuyển dụng, kí hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng để chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy Tiểu học bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 bảo đảm đủ giáo viên để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học theo lộ trình.
Tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được Bộ GDĐT ban hành, bảo đảm giáo viên được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng sách giáo khoa trước khi được phân công giảng dạy.
Về sách giáo khoa, tài liệu dạy học: Tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện việc lựa chọn, cung ứng, tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Trong đó cần đặc biệt quan tâm ý kiến từ các tổ chuyên môn trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa.
Tổ chức cung ứng sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng tiến độ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa; phối hợp với các Nhà xuất bản có được lựa chọn tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa trong quá trình tổ chức dạy học.