Giá mỗi đồng tiền số phổ biến nhất thế giới hiện xoay quanh 40.700 USD, giảm 10% trong tháng qua. Ether - tiền số phổ biến thứ hai, giảm khoảng 15%.
Bitcoin đã không bùng nổ như mong đợi của nhiều nhà đầu tư. Trên thực tế, ngay cả khi các nhà phân tích Phố Wall dự tính về khả năng xảy ra vụ khủng hoảng lớn, giá tiền số vẫn giảm đều đặn.
Nhiều năm qua, những nhà đầu tư yêu thích Bitcoin luôn chịu sự hoài nghi của thị trường. Khi bị đặt câu hỏi về giá trị của tiền số này, "thời gian sẽ trả lời" dường như là câu cửa miệng của nhiều người.
Họ nói rằng hãy chờ cho đến khi lạm phát chạm đỉnh và mọi người tìm cách gửi tiền vào một tài sản kỹ thuật số ổn định. Hoặc chờ cho đến khi chiến tranh nổ ra và tài sản của người dân bị kiểm soát. Khi đó, thế giới sẽ hiểu tại sao thị trường cần một loại tiền số ẩn danh, phi tập trung và phi trạng thái.
Đây đều là những giả thuyết dễ bắt gặp về tiềm năng của Bitcoin. Vượt mặt hầu hết các loại tiền số, Bitcoin được nhiều người nhà đầu tư coi như một loại "bảo hiểm cho ngày tận thế", một dạng "vàng số". Đồng tiền này được xem là nơi trú ẩn ổn định khi thế giới ngày càng hỗn loạn và khó đoán.
Và rồi, hỗn loạn đã xuất hiện. Tại Mỹ, lạm phát đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. VIX - chỉ số đo lường mức độ sợ hãi của Phố Wall trên thị trường chứng khoán - đã tăng hơn 80% trong năm nay. Tháng trước, chính phủ Canada đối phó với làn sóng tẩy chay vaccine của cánh tài xế xe tải, bằng cách dọa đóng băng tài khoản ngân hàng của những người này.
Gần nhất, cuộc xung đột của Nga và Ukraine chưa có điểm dừng. Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, gây ảnh hưởng xấu tới đồng ruble và nền kinh tế Nga. Nhiều công ty Mỹ đã rút khỏi nước này, người dân gần như không truy cập được mạng lưới ngân hàng quốc tế, sử dụng thẻ tín dụng...
The New York Times gọi đây là một "cơn bão hoàn hảo" về các sự kiện kinh tế và địa chính trị. Về mặt lý thuyết, điều này đáng ra sẽ rất tốt cho Bitcoin. Nhưng điều này đã không xảy ra.
Việc sử dụng tiền số hàng ngày cũng không diễn ra theo cách mà nhiều người mong đợi. Khối lượng giao dịch Bitcoin có tăng sau khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine, nhưng nó vẫn tương đối ổn định kể từ thời điểm đó. Điều này cho thấy mọi người không vội vàng giao dịch đồng ruble Nga và hryvnia Ukraine để lấy tiền số. Các nhà tài phiệt Nga dường như cũng không sử dụng tiền số để né lệnh trừng phạt như đồn đoán ban đầu.
Tuy nhiên, tiền số cũng không hoàn toàn vắng mặt trong những sự kiện này. Ở Canada, một số tài xế xe tải đã nhận quyên góp tiền số sau khi bị phong toả tài khoản ngân hàng. Chính phủ Ukraine cũng báo cáo đã nhận được gần 100 triệu USD tiền số mà các bên quyên góp. Vì thế, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng tiền số sẽ không hữu ích trong các giai đoạn sau của cuộc xung đột với Nga.
Nhưng đến nay, Bitcoin dường như không đóng vai trò trung tâm trong quá trình gỡ rối toàn cầu. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao?
Trước hết, tiền điện tử vẫn còn khó hiểu và khó sử dụng với người bình thường, đặc biệt là trong chiến tranh. Tình trạng truy cập Internet chập chờn ở nhiều vùng của Ukraine, khiến ngay cả giới tinh hoa nước này cũng chật vật để chuyển đổi tài sản thành tiền số.
Một lý do khác, phổ biến với những người hoài nghi về Bitcoin và các loại tiền số, là Bitcoin vẫn quá biến động để có thể trở thành một hàng rào chống lại sự bất ổn kinh tế và chính trị.
Jimmy Nguyen - chủ tịch Hiệp hội Bitcoin, một nhóm giao dịch tiền số, cho biết: "Cộng đồng Bitcoin và tiền số trong suốt những năm qua đã lan truyền một câu chuyện sai lầm rằng Bitcoin là nơi trú ẩn an toàn từ các thị trường tài chính truyền thống".
Ông lập luận rằng, việc xử lý các giao dịch Bitcoin rất chậm và tốn kém. Điều này khiến nó trở nên ít hữu ích hơn trong thanh toán. "Rất nhiều người ủng hộ Bitcoin đã phải thừa nhận tiền số trên chỉ là một tài sản dự trữ", ông nói.
Kevin Werbach - giáo sư nghiên cứu pháp lý và đạo đức kinh doanh tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, lại đưa ra một lý thuyết khác. Ông cho rằng những người chấp nhận sớm nhất và ảnh hưởng nhất trong cộng đồng Bitcoin có xu hướng là những người theo chủ nghĩa tự do. Họ coi tiền số như một loại hợp đồng bảo hiểm chống lại siêu lạm phát và tham nhũng.
Tuy nhiên, biến động giá gần đây trên thị trường tiền số đã thu hút lượng lớn các nhà đầu cơ coi Bitcoin và các loại tiền số khác là các khoản đầu tư mà ít quan tâm đến các tác động chính trị của chúng.
"Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh Bitcoin cho thấy rằng, nó chủ yếu là một phương tiện để thoát khỏi hệ thống tiền pháp định do chính phủ ban hành. Và hầu hết các diễn biến là do đầu cơ", ông nói.
Một lời giải thích khả thi khác cho hoạt động kém hiệu quả của Bitcoin được Joe Weisenthal đưa ra với Bloomberg. Theo ông, lạm phát, lệnh trừng phạt, xung đột địa chính trị cũng có thể gây hại cho Bitcoin về lâu dài, vì chúng thu hút sự chú ý của các nhà quản lý.
"Trong câu chuyện của những lái xe tải ở Canada, nó được coi là sự kiện giúp Bitcoin tăng giá, vì khiến mọi người nghĩ về cách thanh toán mà không bị quản lý. Nhưng rốt cuộc, Bitcoin cũng giảm vì điều này thu hút sự chú ý của các thực thể quốc doanh phản đối các loại giao dịch trên", ông lấy ví dụ.
Ngoài ra, các chuyên gia còn đưa ra nhiều lời giải thích khác. Sam Bankman-Fried - CEO sàn giao dịch tiền số FTX, cho biết trên Twitter rằng dù ông nghĩ Bitcoin sẽ "có diễn biến tốt hơn" trong môi trường kinh tế và chính trị kém ổn định, diễn biến trái chiều gần đây một phần liên quan đến việc truyền thông đưa tin tiêu cực về tiền số.
Gần đây, một quan điểm thú vị về tính hữu ích của tiền số trong thời gian bất ổn đã được chính phủ Ukraine đưa ra. Ngày 15/3, The New York Times đã đặt một câu hỏi về tiền số cho Alex Bornyakov - Thứ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine. Kể từ cuộc tấn công của Nga, cơ quan này đã làm việc suốt ngày đêm để điều phối các khoản quyên góp tiền số cho quân đội Ukraine. Hàng chục triệu USD Bitcoin, Ether và các loại tiền số khác đã được gửi đến nước này. Số tiền này đã được sử dụng để mua các vật tư quân sự.
Ông Bornyakov nói rằng, một lợi thế của việc sử dụng tiền số để huy động ngân sách là số tiền có thể được giải ngân nhanh. "Trong tình huống như thế này, khi ngân hàng trung ương không thể hoạt động đầy đủ, tiền số đang giúp chúng tôi chuyển tiền nhanh chóng và nhận được kết quả gần như ngay lập tức", ông giải thích.
Nhưng Bornyakov dường như khá cảnh giác với việc phóng đại tầm quan trọng của tiền số. "Tôi không nghĩ rằng tiền số đang đóng một vai trò lớn. Nhưng nó rất cần thiết trong cuộc xung đột này, để trợ giúp quân đội của chúng tôi", ông chia sẻ thêm.
Tiểu Gu (theo The New York Times)