Ngày 18-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình về tình hình xung đột Nga - Ukraine, bên cạnh một số vấn đề khác liên quan tới quan hệ Mỹ - Trung.
Đài CNBC dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông Biden kỳ vọng thông qua lần trao đổi này làm rõ với ông Tập rằng TQ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có động thái hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng TQ phải chủ động sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Nga và bảo vệ các giá trị cũng như nguyên tắc quốc tế mà Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) thăm thủ đô Moscow hồi tháng 6-2019. Ảnh: TASS
Trung Quốc không muốn chọn phe
Trên thực tế, không phải chờ tới cuộc điện đàm lần này giới lãnh đạo TQ mới chọn con đường đứng giữa, không ngả về phe nào trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Đông Âu. Kể từ khi chiến dịch của Nga bắt đầu ngày 24-2, TQ đã công khai bày tỏ lập trường trung lập, tránh lên án hoặc ủng hộ quá mức. Trong khi tỏ ra đồng cảm với các quan ngại an ninh của Nga về sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bắc Kinh song song đó cũng gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Theo giới quan sát, mục đích của TQ là duy trì quan hệ sâu sắc với Nga mà không đẩy phương Tây đi quá xa.
Có thể thấy những năm gần đây, TQ đã rất nỗ lực để nâng cấp quan hệ với các bên. Với Nga, TQ gần đây đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. TQ cũng tăng cường thương mại và đầu tư với Ukraine. Chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng ca ngợi TQ đã giúp kết nối nước này với phần còn lại của châu Âu.
TQ cũng nỗ lực tận dụng quan hệ căng thẳng giữa Mỹ (dưới thời Tổng thống Donald Trump) với châu Âu và khối quân sự NATO, bằng cách vun đắp quan hệ mạnh hơn với Đức, Pháp và Anh.
Trung Quốc lo ngại áp lực trừng phạt
Trước cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập, truyền thông và giới chức Mỹ nói chung đã nhiều lần cảnh báo TQ nên từ bỏ ý định viện trợ quân sự và kinh tế cho chiến dịch của Nga tại Ukraine. Thông tin này đến nay bị cả Nga lẫn TQ bác bỏ, nhưng nếu Bắc Kinh thực sự tính tới chuyện hỗ trợ Moscow thì khả năng cao là nước này sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời phỏng vấn của tờ The Los Angeles Times, PGS quan hệ quốc tế Mingjiang Li thuộc ĐH Công nghệ Nam Dương (Singapore) nhận định TQ sẽ phải “rất cẩn thận để không rơi vào thế phải chịu chung các đòn trừng phạt với Nga nếu mạo hiểm hỗ trợ chiến dịch của nước này”.
Ngoài ra, xét tới các lợi ích đa dạng của Bắc Kinh, Ukraine cũng đã nhiều lần bày tỏ hy vọng TQ sẽ đóng vai trò là một bên tham gia làm trung gian hòa giải, sau khi Nga và Ukraine đã đi tới vòng đàm phán thứ tư nhưng vẫn không thể đạt được một lệnh ngừng bắn chính thức. Theo ông Li, một giải pháp nhanh chóng cho xung đột ở Ukraine lúc này sẽ giúp giảm áp lực phải lựa chọn phe của TQ.
Nếu TQ đi quá sát Nga vào lúc này sẽ khiến châu Âu và Mỹ xa cách hơn, từ đó gây các tác động tiêu cực lên đà tăng trưởng kinh tế của TQ. Đây là một yếu tố khác cũng cần được Bắc Kinh cân nhắc bởi nền kinh tế TQ hiện nay không ở trong một vị trí đủ tốt để hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nếu TQ bị cấm vận thì lạm phát sẽ quay lại và đẩy giá cả năng lượng, nông sản và nguyên vật liệu công nghiệp tăng cao, cũng như làm mất giá đồng NDT.
Đây là những khó khăn mà Bắc Kinh về mặt chính trị cũng không thể để xảy ra bởi nước này đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho công tác nhân sự lãnh đạo chiến lược cho năm năm tới, theo tờ The Nikkei. Tại kỳ họp Quốc hội TQ khóa XIII hồi đầu tháng 3, giới chức nước này đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay - mục tiêu thấp nhất trong hơn 30 năm tăng trưởng liên tục của nước này.
Là một quốc gia liên tục mong muốn trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, chỉ đặt con số 5,5% cho thấy TQ đang hết sức cảnh giác trước các biến động kinh tế - chính trị hiện nay và cuộc xung đột ở Đông Âu là một ẩn số quá lớn khiến nước này khó có thể đánh đổi tất cả, đi ngược lại với xu hướng hòa bình thế giới và chọn lấy một phe đang tham chiến.•
TQ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách hòa bình và sẽ tiếp tục đóng một vai trò tích cực vào việc này. Các bên xung đột không nên đổ lỗi cho nhau mà cần có các bước đi thiết thực nhằm giảm căng thẳng và giải quyết vấn đề. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ TRIỆU LẬP KIÊN trong Có dấu hiệu Trung Quốc muốn ngừng ủng hộ Nga? Theo đài CNN, không những giữ lập trường trong xung đột Nga - Ukraine, Bắc Kinh thời gian qua thậm chí có nhiều động thái dường như tỏ ý muốn tách khỏi Nga để tránh những gì đang diễn ra ảnh hưởng tới TQ. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) của TQ trong một tuyên bố hồi đầu tháng 3 đã cho biết sẽ đình chỉ tất cả hoạt động liên quan đến Nga và Belarus do chiến sự ở Ukraine. Động thái này được thực hiện “vì lợi ích tốt nhất” cho ngân hàng, thông báo của AIIB nhấn mạnh. Quyết định đình chỉ các hoạt động của AIIB tại Nga đồng nghĩa khoản cho vay trị giá 1,1 tỉ USD nhằm cải thiện mạng lưới đường bộ và đường sắt Nga cũng bị dừng lại. Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics (TQ) chỉ ra rằng những động thái trên được Bắc Kinh thực hiện khi nhận ra họ khó bảo vệ được các công ty trong nước trước lệnh trừng phạt áp lên Nga. “Hầu hết các doanh nghiệp lớn ở TQ đều không sẵn sàng chấp nhận rủi ro vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhìn chung, TQ có thể sẽ phàn nàn về các lệnh trừng phạt này nhưng vẫn tuân thủ” - chuyên gia Martin Chorzempa thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét. |