Nhiều người dân thấy nước sông Tiền lớn đã đánh bắt cá mưu sinh (ảnh chụp ngày 19-3) - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 19-3, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online dọc tuyến sông Hậu, đoạn TP Châu Đốc (An Giang) cho thấy mực nước tại ngã ba sông Châu Đốc dâng cao. Nhiều người dân đã tranh thủ đánh bắt cá. Tại khu vực bến phà Châu Giang nối liền giữa TP Châu Đốc với thị xã Tân Châu có nhiều ghe cào và ghe chài cá liên tục. Các ghe này liên tục bủa lưới, giăng câu để đánh bắt cá.
Sông Tiền ở thị xã Tân Châu cũng có nước dâng khá. Giữa sông lúc nào cũng có từ 4-6 ghe giăng câu, chài lưới của ngư dân.
Ông Huỳnh Phú Sĩ (72 tuổi, ngụ phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu) cho biết, theo quan sát của ông, gần 1 tuần nay mực nước trên sông Tiền đã dâng cao hơn 0,4m so với cùng kỳ năm 2021.
"Tôi đọc báo thấy thông tin Trung Quốc xả đập vài ngày qua, nhưng tôi cho rằng sẽ không ảnh hưởng đến hạ lưu như An Giang. Vì nguồn nước về Việt Nam bây giờ, nông dân được lợi là có nguồn nước tưới tiêu khi đang vào mùa khô, một số nơi đang thiếu nước. Thêm vào đó, nguồn nước về thời điểm này sẽ phù hợp để xua đẩy hạn mặn từ các cửa biển xâm nhập vào, chứ không có gì phải lo lắng. Vài ngày qua mực nước lên dao động từ 0,4-0,6m thôi, sau đó lại xuống trở lại bình thường", ông Sĩ nói.
Theo bản tin thủy văn ngày 19-3 của Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, mực nước cùng ngày trên sông Tiền tại Tân Châu là 1,26m, cao hơn 0,07m so với ngày 18-3. Dự báo ngày 20-3 mực nước sẽ tiếp tục lên 1,31m.
Còn trên sông Hậu tại Châu Đốc đo ngày 19-3 là 1,44m, cao hơn ngày 18-3 là 0,07m. Dự báo ngày 20-3 mực nước tại sông Hậu sẽ đạt 1,49m.
Nhìn chung, trong ngày 18-3, lượng nước trên sông Tiền, sông Hậu đã cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,21m-0,36m.
Người dân khu vực đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang đánh bắt cá trên sông khi nước dâng cao - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Nguyễn Đức Duy - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang - cho biết 2 đập Tiểu Loan và Nọa Trát Độ của Trung Quốc chủ yếu lấy nước từ băng tan. Gần đây do nhiệt độ tăng cao nên những băng vĩnh cửu trên đỉnh núi đã tan nhiều. Vì vậy, Trung Quốc đã xả 2 đập này nhiều ngày qua.
"Lượng nước theo chúng tôi nắm được đã về tới Lào và Thái Lan, còn Campuchia và Việt Nam chưa về đến nên không biến động gì nhiều ở các nhánh sông đầu nguồn", ông Duy nói.
Trước đó, từ ngày 1-3, việc xả nước ở Trung Quốc đã làm tăng mực nước sông ở Thái Lan hơn 1,5m. Trong 45 con đập trên hệ thống sông Mekong ghi nhận có 16 đập đã xả nước. Riêng đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan (Trung Quốc) đã xả tổng cộng 2 tỉ m3 nước trong khi các tuần trước đó chưa vượt quá con số 1 tỉ m3.
Đối với hai trạm đo chính ở sông Tiền và sông Hậu trên lãnh thổ Việt Nam là Tân Châu và Châu Đốc (An Giang), mực nước vẫn còn dao động giữa mức tối đa và mức tối thiểu do ảnh hưởng của thủy triều hằng ngày từ biển.
PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường đại học Cần Thơ) cho biết qua ghi nhận thấy mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tăng nhẹ. Còn trong những ngày tới mực nước như thế nào còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có xả đập thủy điện nữa không.
Sông Tiền đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Theo các chuyên gia, việc đánh giá tác động xả đập thủy điện của Trung Quốc vào mùa khô cần tiếp tục được theo dõi trong thời gian tới - Ảnh: CHÍ QUỐC
Còn thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ) cho biết từ khi có hệ thống các đập thủy điện ở thượng nguồn thì năm nào vào thời điểm này Trung Quốc cũng xả đập, tuy nhiên năm nay xả tới 2 tỉ m3 là nhiều hơn những năm trước và xả trong thời gian khá ngắn (khoảng nửa tháng).
Ông Vinh cũng cho rằng chưa có đủ dữ liệu để đánh giá việc xả đập vào mùa khô thế này sẽ gây ra tác động gì tới ĐBSCL, tuy nhiên qua quan sát cho thấy việc xả đập của Trung Quốc có tác động gây ảnh hưởng sinh thái khu vực thượng nguồn ở Thái Lan (ảnh hưởng tới hoạt động trồng trọt và thu hoạch bình thường của Thái Lan khi nước dâng cao vào mùa khô).
"Từ khi các đập thủy điện Trung Quốc xả nước qua nhiều năm cho thấy mực nước vào mùa khô ở khu vực ĐBSCL có cao hơn bình thường và cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên do khu vực ĐBSCL khá xa đập thủy điện Trung Quốc nên hiện tại chưa đủ dữ liệu để đánh giá việc mực nước này tăng sẽ tác động thế nào mà cần tiếp tục theo dõi", ông Vinh nói.
TTO - Những ngày cận Tết Nguyên đán 2022 cũng là thời điểm mặn bắt đầu xâm nhập, các tỉnh ĐBSCL đã lên kịch bản ứng phó.