Tác giả Felis Phan - một công dân 9X của TP.HCM
Sông không chỉ cung cấp nước ngọt và phù sa, mở đường thông thương, kết nối văn hóa mà còn là sức sống của vùng đất; thậm chí có nơi dòng sông còn được tôn làm "thần linh", đóng vai trò phong thủy để đem lại sinh khí tốt lành cho xứ sở.
Với những "tính cách" riêng biệt của mình, mỗi con sông phần nào đã tạo nên thương hiệu cho những thành phố mà nó đi qua như sông Hương (Huế), Hán Giang (Seoul), Chao Phraya (Bangkok), Thames (London), Seine (Paris), Hudson (New York)...
Một dòng sông "khỏe mạnh" ắt hẳn mang đến màu mỡ, thịnh vượng cho xứ sở đôi bờ. Lịch sử thế giới cũng cho thấy sự tồn vong của một đô thị phần nào dựa vào con sông - cội nguồn tạo lập nên vùng đất từ thuở nguyên sơ.
Để phát triển sông Sài Gòn cũng như TP.HCM và vùng đô thị Đông Nam Bộ, giải pháp ý tưởng phát triển 256km sông Sài Gòn được đưa ra trên nền tảng thứ tự ưu tiên như sau:
Bảo vệ "sức khỏe" sông Sài Gòn
Nền tảng căn bản bảo vệ "sức khỏe" dòng sông (cũng đồng thời là "sức khỏe" đô thị ven sông) đó là đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch phục vụ cho các hoạt động kinh tế, đời sống dân cư và duy trì hệ sinh thái giàu có của tự nhiên.
Trên con tàu Max Pruss (Koln), tôi trầm trồ học người Đức cách bảo vệ dòng sông Rhine dài hơn 1.000km và suy nghĩ về một con tàu "cảnh sát" môi trường dành riêng cho sông Sài Gòn.
Đây là con tàu khoa học hoạt động hơn 300 ngày mỗi năm, đi dọc con sông phục vụ mục đích kiểm tra chất lượng nước; đo lường nồng độ oxygen, phù sa; phát hiện tồn dư của hóa chất độc hại, vi khuẩn, thiên địch... trong nước và bùn cặn ở đáy sông.
Dựa vào các dữ liệu khoa học của tàu mà các giải pháp bảo vệ sông, các chính sách mới được ra đời một cách trọng tâm, trọng điểm; kiên trì cho quyết tâm bảo vệ "sức khỏe" dòng sông cũng như "sức khỏe" thành phố, vùng đô thị.
Bảng theo dõi "sức khỏe" sông
Sự ra đời của sensors (cảm biến thông minh) giúp ích rất nhiều trong việc theo dõi chất lượng đất, nước, không khí, tiếng ồn... Áp dụng sensors vào sông Sài Gòn sẽ giúp chúng ta theo dõi, so sánh chất lượng nước dọc 256km chiều dài sông Sài Gòn, đặc biệt 80km đi ngang TP.HCM.
Các chỉ số thu thập từ sensors được thể hiện trên bảng theo dõi "sức khỏe" sông Sài Gòn sẽ cho các nhà khoa học thấy biên độ nhiệt nước, độ pH, nồng độ oxygen, vi khuẩn (từ thú nuôi/ xả thải/ dịch bệnh), xâm mặn... cho đến các báo động bất thường nồng độ hóa chất công nghiệp, nông nghiệp.
Đảm bảo với các chỉ số khoa học, chúng ta sẽ có được bức tranh toàn diện ứng phó ô nhiễm; duy trì hệ sinh thái sông ổn định; tránh nguy cơ biến dòng sông Sài Gòn thành một dòng sông "chết" lúc nào không hay.
Ngoài ra, bảng theo dõi "sức khỏe" sông Sài Gòn còn giúp công chúng biết được sự an toàn của nguồn nước để dùng trong nông nghiệp/ thủ công nghiệp/ chế biến hoặc tham gia thể thao nước; các địa phương ven sông có chiến dịch thi đua làm xanh khúc sông của mình căn cứ vào mức độ xanh/đỏ của dòng sông.
Đồ hoạ: P.K.
Bảo tồn và chia sẻ lợi ích bền vững
Chúng ta cần sớm có bản đồ quy hoạch bảo tồn và phát triển kinh tế sông Sài Gòn cũng như vùng phụ cận trong 10, 20, 50 năm tới.
Hành lang xe đạp không - đèn - đỏ
Chúng ta phải trở thành thành phố đầu tiên tại Việt Nam sở hữu tuyến đường nội đô dành riêng cho xe đạp dài 40 - 80km dọc sông.
Đây sẽ là điểm nhấn đặc biệt cho một đô thị vươn tầm quốc tế, thể hiện bộ mặt trẻ trung và lối sống hiện đại.
Tuyến đường không chỉ hỗ trợ giải bài toán giao thông xanh nội đô mà còn là phương cách thúc đẩy năng lượng thể thao tích cực của cư dân.
Dòng chảy kết nối vùng du lịch
Sông Sài Gòn là dòng sông đem đến nhiều trải nghiệm nhất Việt Nam trên tổng thể các phương diện: lịch sử, văn hóa, tự nhiên.
Trong tương lai gần, thành phố có thể thiết kế các cung đường du lịch như: lịch sử (bến Nhà Rồng, Ba Son, Củ Chi...); văn hóa (làng nghề gốm Lái Thiêu, sơn mài Tương Bình Hiệp...); trải nghiệm (vườn trái cây, hồ Dầu Tiếng...).
Đây không chỉ là trải nghiệm mới cho du khách mà còn chính người dân Sài Gòn cũng phải ngỡ ngàng khi khám phá. Phát triển kinh tế xanh là giải pháp để bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ văn hóa truyền thống của làng nghề ven sông suốt 300 năm có nguy cơ mai một.
Phát triển thể thao nước đô thị
Là đô thị trẻ nhưng thành phố chưa có các trung tâm thể thao nước, câu lạc bộ/ bến/ công viên dành cho các môn thể thao nước như sup, kayak, thuyền buồm, lướt ván hay các bãi cỏ cắm trại/ picnic/ tắm nắng/ thả diều ven sông...
Chúng ta cần quy hoạch nhiều không gian dành cho công cộng, thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tư duy quốc tế để du nhập và phát triển thể thao bài bản.
Hướng đến tổ chức các giải thể thao quốc tế như đua sup, motor nước, lướt ván dù... và đăng cai các lễ hội tầm cỡ quốc tế gắn liền với dòng sông Sài Gòn như lễ hội pháo hoa, khinh khí cầu, nhạc nước, đại nhạc hội...
Đồng bộ không gian kiến trúc công cộng
Là các đô thị ven sông, các công trình kiến trúc nên được đầu tư đột phá trong thiết kế, mỹ thuật. Như cầu, bến tàu, nhà hát... không chỉ mang phong cách hiện đại mà còn thể hiện đặc trưng hồn cốt của Sài Gòn.
Khoác tấm áo lịch sử, thể hiện giai đoạn chuyển mình, hội nhập năng động hôm nay của thành phố cũng như tạo nên sự khác biệt cảnh quan du ngoạn trên sông Sài Gòn.
Ở phía thượng nguồn sông, chúng ta cần có chiến lược thu hút đầu tư táo bạo hơn để phát triển các khu công viên giải trí tầm vóc quốc tế nhằm mục đích tận dụng sông Sài Gòn làm hành lang du lịch kết nối đô thị với công viên độc đáo nhất thế giới.
Dòng sông năng lượng xanh
Bắt buộc dòng sông của kinh tế xanh, các phương tiện giao thông chuyển sang năng lượng tái tạo để đảm bảo chất lượng nước, không khí, tiếng ồn cho đô thị và hệ sinh thái sông.
Buýt sông, du thuyền, tàu nhà hàng... phải vượt qua được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về xả thải, động cơ.
Trong tương lai, tàu thuyền lưu thông phải sử dụng động cơ điện, động cơ năng lượng mặt trời, điện phân hydro, turbine/ buồm gió...
Thương hiệu của dòng sông
Trước khi có những hội thảo định danh được thương hiệu của dòng sông, với suy nghĩ của riêng tôi, dòng sông này trước tiên nên được gắn liền với hình ảnh sạch sẽ - yếu tố gốc rễ của "sức khỏe" một con sông cũng như đại diện cho triển vọng thịnh vượng vùng đất mà nó chảy qua.
Thứ hai, đó là dòng sông của sự đa dạng mà kết nối - bởi văn hóa, lịch sử, cảnh quan và trải nghiệm xuyên suốt chiều dài sông Sài Gòn là vô cùng phong phú, độc đáo hàng đầu thế giới.
Thứ ba, đây là dòng sông "hào sảng" - cũng là tính từ mô tả căn tính của người Sài Gòn; một dòng sông luôn đón nhận những thay đổi mới và cho đi nguồn năng lượng tích cực với bất cứ ai đến và gắn bó.
Có thể nói, sông Sài Gòn là một mảnh ghép không thể tách rời của TP.HCM, là linh hồn của một vùng đô thị đầy sức sống và giàu tiềm năng.
Cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi
Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn", nhằm tìm các ý tưởng và giải pháp để góp phần phát triển sông Sài Gòn. Các bạn có thể gửi ý kiến, bài viết, công trình nghiên cứu, đồ án, kế hoạch, ý tưởng... góp phần vào mô hình phát triển mới, hình dung về các đô thị bên sông của dòng sông trù phú này.
Các bài viết, đồ án sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên các ấn phẩm Tuổi Trẻ và đặc san kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4.
Bài dự thi gửi về email: songsaigon@tuoitre.com.vn hoặc gửi về báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn". Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 20-4-2022.
Giải thưởng: Giải tập thể: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng. Giải cá nhân: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 10 triệu đồng; 1 giải ba: 5 triệu đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải 3 triệu đồng.
Tuổi Trẻ cảm ơn các bạn sau đã gửi bài dự thi đến hết ngày 19-3: Thu Vũ, Đinh Thành Trung, Thị Mai Hiên Lê, Tho Ton, tam tranvan, Chung Thanh Huy, trần hữu phước, Nguyễn Xuân Hồng, hoangphuc2021cv, Nhi Nguyễn, Vũ Thiên Anh Nguyễn, dinh duc hanh, Dũng Mai Đức, Binh Chan, Lê Diamond, Công Nguyễn, Phú Ngọc, Phan Felis, Ngọc Hạnh, TUONG TRAN, Khiem Thi Hoang, Bình Nguyễn, Thu Hoang, Binh Nguyên Thanh, Mai Trang, Tran Van, nguyen nguyen, Diep Bui...
BAN TỔ CHỨC
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Sông Sài Gòn chảy qua Tây Ninh trên một quãng dài 208km, dài hơn sông Vàm Cỏ Đông chỉ có 146km trên đất Tây Ninh.