Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu bản đồ tại triển lãm và giới thiệu sách Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa tại TP.HCM, tháng 6-2014 - Ảnh: T.T.D.
Một ngày thư thái, học giả Nguyễn Đình Đầu sắp xếp lại căn phòng, bày biện những món gốm Chu Đậu mà ông sưu tầm từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước - chúng chính là nguồn tư liệu gây cảm hứng và có lẽ là một phần linh hồn của cuốn sách Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông.
"Đây là cuốn sách cuối cùng của đời tôi", ông nói vậy. Bản thảo với chi chít những chỉ dẫn và ghi chú viết tay và đánh máy, chuẩn bị làm một chuyến hải hành trong tâm tưởng của nhiều độc giả đang chờ đợi tác phẩm mới của ông.
Nguồn năng lượng tận hiến
Trong ngôi nhà ngay trung tâm quận 1, ông dành riêng hai tầng lầu để chứa khoảng ba ngàn bản đồ cổ kim của Việt Nam và nước ngoài mô tả đất nước Việt Nam từ thế kỷ thứ 10... đã cùng ông kinh qua những năm tuổi trẻ cho đến tận bây giờ, một tài sản vô giá không chỉ với riêng ông mà cả với nền khoa học sử địa Việt Nam.
Nguyện vọng của ông trong những năm cuối đời là: dưới hình thức nào đó, một phần ngôi nhà sẽ được dùng làm nơi trưng bày những bản đồ quý hiếm cùng với hàng ngàn cuốn sách nghiên cứu về Việt Nam được in bằng chữ Hán, Pháp, Anh, Việt và hàng trăm món đồ cổ có niên đại từ thế kỷ 13 đến 19 mà ông sưu tầm được.
Bên trong con người giản dị, khiêm tốn và đáng kính này là nguồn năng lượng dường như vô biên, tinh thần lạc quan và sự độ lượng. Không hề có khoảng cách giữa ông với những gì đang diễn ra trong cuộc sống đương đại. Tư duy khoa học và óc suy luận nhạy bén khiến ở ông luôn tỏa ra vẻ đĩnh đạc đầy sự tin cậy. Đó là lý do vì sao ở tuổi cao như vậy nhưng ông vẫn còn nguyên vẹn niềm say mê công việc.
Học giả Nguyễn Đình Đầu vừa tròn 102 tuổi vào ngày 12-3 vừa qua. Dịp này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đến thăm và gởi lời chúc đến ông - Ảnh: TRẦN NGỌC SINH
Sau những công trình nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa đã được xuất bản, điều mong mỏi của ông là làm rõ và định danh trở lại "Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam qua bốn thế kỷ 13, 14, 15, 16", như một cách để nhấn mạnh việc thông thương trên biển của người Việt cổ đã có từ rất sớm. Và gốm sứ, tơ lụa Việt Nam trong quá khứ là những món hàng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế".
Hàng ngàn bài báo và vài chục đầu sách đã được xuất bản, đề tài đa dạng từ lịch sử, địa lý cho đến văn hóa, xã hội. Trong đó, đặc biệt phải kể đến bộ sách đồ sộ Địa bạ Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn - công trình nghiên cứu có một không hai, có thể xem như một biểu tượng về "Đất" trong di sản của ông; những nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; và giờ đây, với Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông sẽ được công bố, ông đã đi trọn dáng hình Việt Nam, dáng hình Đất - Nước.
Ngoài những lúc sinh hoạt bên con cháu, ông hoạch định thời gian khá nghiêm ngặt, xen kẽ việc viết lách với tập thể dục, nghỉ ngơi điều độ, quan trọng hơn cả là tinh thần lạc quan. Đó là bí quyết của ông.
Thỉnh thoảng một cơn run toàn thân chợt đến. Cơn sốt lạnh của ông khiến ai chứng kiến cũng xúc động, không phải vì đơn thuần thương xót cho một cổ thụ trong cơn gió mạnh mà vì cảnh tượng đó là dấu hiệu đẹp đẽ của một sức sống mãnh liệt trước những biến cố của thời gian và thời cuộc.
Khi được dìu vào phòng riêng, chén thuốc vừa rời tay, khi đôi chân vẫn còn run rẩy vì lạnh, ông đã có thể trở lại với những câu chuyện về lịch sử.
Học giả Nguyễn Đình Đầu trong sinh hoạt đời thường - Ảnh: TRẦN NGỌC SINH
Một tình yêu lớn với đất nước
Những năm 1940, Nguyễn Đình Đầu được biết đến với tư cách một thanh niên yêu nước, là một trong những người đầu tiên sáng lập phong trào Thanh - Lao - Công (Thanh niên Lao động Công giáo) rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Ông cũng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ đi mua gạo để cứu đói đồng bào miền Bắc hồi năm 1945.
Trong thời gian theo học tại Đại học Công giáo Paris (năm 1951 - 1953, chuyên ngành thần học), ông cùng một số trí thức yêu nước như Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích, Hoàng Xuân Hãn... vận động kiều bào kiến nghị phản đối việc chia cắt đất nước, bản kiến nghị được đăng trên nhật báo Le Monde; trở về nước, họ thành lập tuần báo Thống Nhất với tiêu chí "Phụng sự lý tưởng đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ".
Năm 1954, Nguyễn Đình Đầu cùng các nhà trí thức nói trên sang Thuỵ Sĩ ủng hộ phái đoàn do thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự ký hiệp định Genève. Đầu năm 1955, ông làm giáo sư sử địa tại Trường trung học Nguyễn Bá Tòng (Trường Bùi Thị Xuân ngày nay).
Những năm 1960, ông bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí miền Nam và được giới nghiên cứu công nhận là một học giả uy tín. Năm 1975, ông được phó tổng thống phụ trách hòa đàm Nguyễn Văn Huyền cử đến trại Davis để điều đình ngưng chiến.
Từ năm 1975 đến nay, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình về sử địa, đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và cuốn Tạp ghi Việt Sử Địa 2 - Ảnh: TRẦN NGỌC SINH
Một trong những vấn đề xã hội được học giả Nguyễn Đình Đầu quan tâm và chi phối những hoạt động của ông trong suốt cuộc đời làm khoa học là vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Khi được đề nghị chia sẻ, ông mạnh dạn cho rằng: "Việt Nam đang đi theo con đường đó, mỗi khi có dịp, những người trong chính quyền Việt Nam đều vào thăm đức giáo hoàng ở Vatican và được đón tiếp thân mật. Chính ý kiến của đức giáo hoàng đã bắt gặp sự đồng điệu từ những người cộng sản: "Người Công giáo tốt sẽ là người công dân tốt".
Riêng tôi, hơn 70 năm nay luôn có xu hướng làm người công dân tốt nhưng cũng phải là người yêu nước, cho nên tôi đã sẵn sàng đi theo các đoàn thể tranh đấu cho Việt Nam độc lập. Năm 1942, tôi đã bắt đầu sống đời sống xã hội nhiều hơn, học kỹ nghệ ra trường, tôi được tiếp xúc với anh Nguyễn Mạnh Hà.
Chúng tôi bàn bạc với nhau rằng Việt Minh tranh đấu chống Pháp giành độc lập cho Tổ quốc thì người Công giáo cũng có thể làm như vậy. Và thế là tôi tiếp xúc với Việt Minh, rồi sau đó được gặp những người lãnh đạo của Đảng như ông Phạm Văn Đồng và một số người khác.
Đôi khi cũng có những trục trặc, nhưng tôi đã vượt qua được. Những khó khăn mà chúng ta gặp phải cũng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, nhưng tôi tin nếu chúng ta có một tình yêu lớn với đất nước này thì mọi vướng mắc sẽ dần dần được giải quyết".
Lượng kiến thức đồ sộ trong Tạp ghi Việt sử địa
Một số tác phẩm của học giả Nguyễn Đình Đầu - Ảnh: T.N.S.
Nếu các tác phẩm viết riêng về một chủ đề như Việt Nam quốc hiệu & cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa; Địa bạ Việt Nam thời nhà Nguyễn; Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông... của học giả Nguyễn Đình Đầu được ví như thân cây lớn, thì những bài báo của ông hơn 50 năm nay có thể được ví như các nhánh nhỏ tạo nên tán lá sum suê. Những mạch sống liên thông của đại thụ đã không ngừng mang đến những điều tinh hoa cho đời sống này.
Đó là lượng kiến thức đồ sộ về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội... được ông trình bày bằng ngôn ngữ cô đọng, dễ đọc, dễ hiểu. Các bài viết ấy được tập hợp in thành bộ sách Tạp ghi Việt sử địa (3 tập) đã được ra mắt bạn đọc, không chỉ ngồn ngộn tri thức mà còn mang chút bóng dáng hồi ký của một người từng đi qua những thăng trầm của đất nước trong trọn một thế kỷ.
TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhân dịp sinh nhật lần thứ 102 của ông vào ngày 12-3.
Xem thêm: mth.39493000102302202-coun-tad-hnih-gnad-ihg-iod-ac-uad-hnid-neyugn-aig-coh/nv.ertiout