Ngày càng nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng yêu cầu ngăn chặn dòng chảy của dầu thô Nga, nguồn thu nhập chính của Moscow. Đây cũng là nguồn năng lượng mà EU dễ đoạn tuyệt hơn so với khí đốt tự nhiên, vốn được dẫn vào châu lục này thông qua hệ thống đường ống xuyên quốc gia.
Cụ thể, Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu thông qua hệ thống đường ống. Điều này khiến EU không thể tìm ra nguồn cung thay thế nhanh chóng. Trong khi đó, chỉ 4-8% dầu mỏ Nga được cung cấp tới châu Âu thông qua các đường ống. Điều đó có nghĩa là EU có thể thay thế chúng bằng nguồn cung khác, miễn là họ tìm ra.
Ý tưởng này đã được ngày càng nhiều quốc gia EU ủng hộ. Chủ để này cũng đã được đưa ra bàn thảo giữa các nhà lãnh đạo châu Âu. Nó cũng được đưa vào nội dung Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các quốc gia EU trong khuôn khổ chuyến công du của nhà lãnh đạo nước Mỹ đến khu vực. Mỹ đã tuyên bố cấm vận hoàn toàn với dầu mỏ của Nga.
Nga biết điều này và họ cũng đang tìm đường cho dầu thô của mình. Châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, chính là khách hàng tiềm năng của Moscow. Ngoài ra, việc quay lưng với dầu mỏ của Nga cũng có thể khiến Moscow khóa van khí đốt, đẩy châu Âu và một cuộc khủng hoảng toàn diện, thậm chí là suy thoái.
Dầu thô giá rẻ của Nga
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến dầu thô Nga "thất sủng". Dầu thô Urals của Nga hiện đang được giao dịch với mức chiết khấu 30 USD so với các loại dầu thô khác. Ngay cả việc Trung Quốc và Ấn Độ tăng mua dầu thô Nga cũng không giúp giá bán được cải thiện.
"Xuất khẩu dầu thô đường biển của Nga trong tháng 3 đã tăng so với các tháng trước. Có một số tàu chở dầu đã cập cảng sau khi phương Tây công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow", Petro-Logistics, một công ty phân tích chuyên theo dõi các tàu chở dầu, cho biết.
Giá năng lượng tăng cao có thể khiến nhiều hộ gia đình ở châu Âu rơi vào tình cảnh khó khăn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng Moscow có thể đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách cắt giảm sản lượng, dù điều đó cũng gây ảnh hưởng tới tài chính cho Moscow. Nga xuất sang châu Âu khoảng 250 triệu euro năng lượng mỗi ngày.
Bắt đầu từ tháng tới, Nga có thể giảm sản lượng tới 3 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 1/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Moscow.
"Với khả năng nguồn cung mất đi một lượng lớn từ dầu mỏ Nga, thị trường có thể trở nên khó khăn hơn nữa và giá đầu leo thang đáng kể trong những tháng tới khi nhu cầu của thế giới bước vào mùa cao điểm tháng 7 và tháng 8", IEA cho biết trong một báo cáo.
Nếu thế giới quay lưng hơn nữa với Nga và các sản phẩm của nước này, sự thiếu hụt có thể trở nên tồi tệ hơn. Và đây không phải lo lắng thái quá. Cuối tuần trước, 3 nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu lớn nhất thế giới đã bắt đầu cắt đứt quan hệ với Nga và nếu không có họ, Moscow sẽ gặp khó trong việc duy trì sản lượng khai thác.
Báo cáo của IEA cũng chỉ ra những cách nhằm giảm nhu cầu với dầu, chẳng hạn như ưu tiên sử dụng tàu hỏa thay vì máy bay, khuyến khích người lao động làm việc tại nhà… nhằm tạo thời gian cho các chính phủ tìm được nguồn cung thay thế từ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế tin rằng nếu các biện pháp họ đưa ra được thực hiện đồng thời ở toàn bộ 31 nước thành viên, hầu hết là các quốc gia châu Âu, họ có thể tiết kiệm được 2,7 triệu thùng dầu vào mùa hè này. Tuần này, IEA cũng sẽ triệu tập cuộc họp của các quan chức năng lượng các nước thành viên nhằm điều phối phản ứng của họ.
Săn lùng các nguồn cung thay thế
Các thành viên IEA đã đồng ý giải phóng 63 triệu thùng dầu dự trữ khẩn cấp ra thị trường. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đệm tạm thời. Dự trữ dầu ở các nước OECD đang ở mức thấp nhất 8 năm qua. Dẫu vậy, việc EU yêu cầu các nước giữ lượng dầu dự trữ đủ cho 90 ngày có thể sẽ giảm bớt áp lực.
Ngay khi xung đột Ukraine nổ ra, các nhà hoạch định đã tăng cường tìm kiếm các nguồn dầu thay thế cho dầu thô Urals của Nga. Với độ "chua trung bình" do có lưu huỳnh, việc tinh chế dầu Urals của Nga trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Dầu thô từ Ả rập Xê út có thể là một sự thay thế hoàn hảo. Nếu không, các nhà máy lọc dầu của EU cần điều chỉnh để có thể xử lý các loại dầu khác.
Hầu hết các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn đều không sẵn sàng gia tăng sản lượng.
Tuy nhiên, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, những nước có khả năng gia tăng nguồn cung để bù đắp sự thiếu hụt từ Nga, lại không sẵn sàng làm điều đó. Thậm chí, có báo cáo cho rằng lãnh đạo Ả rập Xê út đã từ chối cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm hạ nhiệt giá dầu.
Andy Critchlow của S&P Global Commodity Insights nói rằng nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với dầu Iran, 60 triệu thùng dầu của nước này trong các kho nổi có thể được cung cấp ra thị trường ngay lập tức. Dầu của Iran cũng có thể hoán đổi cho dầu của Nga.
Trong khi đó, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Chevron của Mỹ đang xin phép để tăng cường sản xuất ở Venezuela nếu như Chính quyền Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các nhà sản xuất dầu mỏ lớn đều không muốn tăng nguồn cung. Ả rập Xê út và Iran lại có mâu thuẫn về mặt lợi ích nên phương Tây khó lòng tìm được một giải pháp vẹn toàn.
Châu Âu đối diện nguy cơ suy thoái nếu thiếu dầu Nga
Điều này đã được Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận trong bài phát biểu hôm 23/3 trước Quốc hội nước này. Theo ông Shcolz, lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga sẽ "ngay lập tức" gây ra suy thoái kinh tế ở Đức và trên toàn châu Âu. EU chưa sẵn sàng cho việc đoạn tuyệt với dầu Nga ở thời điểm hiện tại.
Châu Âu sẽ đương đầu đủ khó khăn khi thiếu đi nguồn cung năng lượng từ Nga.
"Chúng tôi sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, than đá và khí đốt của Nga nhanh nhất có thể nhưng làm điều đó ngay lập tức đồng nghĩa với việc đẩy đất nước chúng ta và toàn châu Âu vào suy thoái. Làm như vậy, hàng trăm ngàn việc làm sẽ gặp rủi ro, toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ đứng trước mép vực", ông Scholz nói.
Với tuyên bố này, ông Scholz đã từ chối lời kêu gọi của nhiều quốc gia châu Âu về việc nhanh chóng cấm vận dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nước Đức cũng nói rằng quá trình thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga đã bắt đầu.
"Trong ngắn hạn, chúng tôi đang đảm bảo nguồn cung khí đốt, dầu và than đá bổ sung. Chúng tôi đang đa dạng hóa các nguồn cung cấp của mình và sẽ có những kết quả trong các tháng tới. Để làm như vậy, chúng ta phải nâng cấp các bến khí đốt tự nhiên hóa lỏng hiện có ở bờ biển phía tây châu Âu. Chúng tôi sẽ tăng tốc xây dựng chuỗi phân phối khí LNG nhanh hơn nhiều so với tốc độ hiện tại", Thủ tướng Scholz nói.
Tham khảo: Politico
http://tintuc.vdong.vn/03/1284814.htm