vĐồng tin tức tài chính 365

Những ngày hoạt động Đoàn trong lòng địch ở nhà tù Côn Đảo

2022-03-26 10:01
Những ngày hoạt động Đoàn trong lòng địch ở nhà tù Côn Đảo - Ảnh 1.

Du khách tham quan và nghe thuyết minh về "chuồng cọp" trong hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Những ngày này, trung tướng Châu Văn Mẫn (72 tuổi, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an) bồi hồi, xúc động nhớ về sự kiện ra đời và hoạt động của cơ sở Đoàn ngay trong trại tù của địch ở Côn Đảo.

Thành lập tổ chức Đoàn trong lòng địch

Ông nhớ lại, tháng 2-1970, đảng bộ cộng sản được thành lập trong trại 1 - 6B (nhà tù Côn Đảo) với mật danh "Lưu Chí Hiếu". Mỗi phòng giam của trại là một chi bộ. Ngay sau khi cơ sở Đảng đi vào hoạt động, ngoài việc chỉ đạo phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, những đảng viên cộng sản cũng bắt đầu thành lập cơ sở Đoàn để tập hợp những thanh niên có tinh thần xung kích, làm nòng cốt trong đấu tranh.

"Một buổi sáng vào giờ mở cửa cho các tù nhân tắm nắng, đồng chí Nguyễn Ngọc Cao (Tư Cao) - là bí thư đảng bộ Lưu Chí Hiếu - đã giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập tổ chức Đoàn cho đồng chí Phạm Huy Tưởng", trung tướng Mẫn nhớ lại.

Những ngày hoạt động Đoàn trong lòng địch ở nhà tù Côn Đảo - Ảnh 2.

Trung tướng Châu Văn Mẫn xúc động, tự hào khi nhớ về những ngày hoạt động Đoàn ngay trong nhà tù của kẻ địch - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nhưng việc thành lập Đoàn trong nhà tù không hề dễ dàng vì thiếu thốn đủ thứ. Việc trước tiên là phải có cuốn Điều lệ Đoàn. Và ông Phạm Huy Tưởng đã cố gắng nhớ lại những điều, những chương cơ bản của Điều lệ Đoàn rồi viết ra. Sau một thời gian, cuốn Điều lệ Đoàn cũng hoàn thành với nội dung khá cơ bản và đầy đủ.

Đúng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3 năm 1972, tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam trong trại giam 1 - 6B ra đời với mật danh "Nguyễn Văn Trỗi". Nhân lúc tắm nắng của khoảng 400 tù nhân, thay mặt chi bộ "Lưu Chí Hiếu", bí thư Nguyễn Ngọc Cao đã giao nhiệm vụ cho các ủy viên ban chấp hành Đoàn và giao anh Sầm Thanh Liêm làm bí thư Đoàn. 

Từ đó về sau, lần lượt các phòng giam tiếp tục thành lập tổ chức các chi đoàn. Lúc đó, trung tướng Châu Văn Mẫn được giao làm bí thư Đoàn của một phòng giam.

Chép, truyền tin tức từ chiếc đài bí mật trong buồng giam  

"Sau khi tổ chức Đoàn được thành lập, hoạt động văn hóa, văn nghệ của tù nhân mạnh lên thấy rõ. Từ đó đời sống tinh thần của anh em chúng tôi được cải thiện rất nhiều. Và cũng từ đó, tinh thần tự học, tự đào tạo của thanh niên cũng đẩy mạnh, hăng hái. Đặc biệt, những thanh niên, đoàn viên to khỏe trong mỗi buồng giam đã thành lập ra đội tự vệ để làm nòng cốt trong việc đấu tranh chống lại sự đàn áp của kẻ địch", trung tướng Mẫn nhớ lại.

Những ngày hoạt động Đoàn trong lòng địch ở nhà tù Côn Đảo - Ảnh 3.

Trung tướng Châu Văn Mẫn ngay sau ngày thống nhất đất nước. Hình chụp năm 1976, bên cạnh mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu - Ảnh do trung tướng Mẫn cung cấp.

Trung tướng Mẫn cũng không quên chi tiết, lúc đó trại giam 1 - 6B cất giấu được một chiếc radio mà kẻ địch soát xét nhiều lần vẫn không phát hiện được. Và nhờ chiếc radio này, những người tù Côn Đảo biết được tin tức về Hiệp định Paris, tin tức chiến trường, thời sự trong nước, nghị định thư trao trả tù binh. 

"Lúc ấy, anh Bùi Văn Toản được giao nhiệm vụ chuyên nghe đài rồi chép ra giấy. Bản chép này được đưa sang cho đảng ủy. Các bác, các anh ở đảng ủy đọc và lọc thông tin rồi đưa qua cho tôi chép thành 10 - 11 bản tin. Những bản tin này được chuyển đến các buồng giam bằng đường lỗ ở chân tường mà chúng tôi đã bí mật đục từ trước", trung tướng Mẫn nhớ lại. 

Ngoài việc chép bản tin thời sự, tướng Mẫn còn chép các bản kế hoạch đấu tranh, sơ kết đấu tranh, viết tập nội san "Xây dựng".

"Đoàn viên chi đoàn Nguyễn Văn Trỗi là những người choàng gánh những việc nặng nhọc để cho những người yếu được nghỉ ngơi. Đoàn viên chi đoàn chúng tôi cũng là những người lo thuốc, lo rau, lo bữa ăn cho những bạn tù bị bệnh", trung tướng Mẫn xúc động kể lại.   

Những ngày hoạt động Đoàn trong lòng địch ở nhà tù Côn Đảo - Ảnh 4.

Du khách tham quan các buồng giam của hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trung tướng Châu Văn Mẫn sinh năm 1950, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam. Ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo vào tháng 4-1970. Sau ngày 30-4-1975, ông ở lại Côn Đảo và làm công an. Năm 1982 ông về Vũng Tàu và tiếp tục công tác trong ngành công an. Năm 1996 ông giữ chức giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2000 ông giữ chức phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an. Năm 2010, ông nghỉ hưu với quân hàm trung tướng. Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

10 gương mặt trẻ làm rạng danh hai tiếng 10 gương mặt trẻ làm rạng danh hai tiếng 'Việt Nam'

TTO - Họ là 10 người trẻ xuất sắc nhất trên các lĩnh vực học tập, khoa học sáng tạo, lao động sản xuất, quốc phòng, an ninh trật tự, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật vừa được xướng tên Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021.

Xem thêm: mth.77770329062302202-oad-noc-ut-ahn-o-hcid-gnol-gnort-naod-gnod-taoh-yagn-gnuhn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những ngày hoạt động Đoàn trong lòng địch ở nhà tù Côn Đảo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools