Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Tập đoàn, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.
Về vụ việc xảy ra vào ngày 10/1/2022, tại ngày này, ông Trịnh Văn Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin. Tối cùng ngày, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết mới nhận được báo cáo nên ra quyết định phong toả tài khoản của ông Quyết từ hôm sau.
Đến ngày 11/11, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE), ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này và đến 12/1, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua. Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng. Sự việc này từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.
Răn đe cho các nhà đầu tư chứng khoán
Theo dõi sự việc, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI nói “không bất ngờ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt”, bởi hành vi của ông Quyết tại ngày 10/1 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, người nào thực hiện một trong các hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng - dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng - dưới 3 tỷ đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thao túng thị trường chứng khoán.
Với tội thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt sẽ tuỳ thuộc vào hành vi vi phạm ở từng khung hình phạt. Với khung thứ nhất, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm nếu thực hiện một trong các hành vi nêu trên mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng - dưới 1,5 tỷ đồng; hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng - dưới 3 tỷ đồng.
Với khung hình phạt thứ 2, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm - 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại cho nhà đầu tư 03 tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Với tội danh này, hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 50 - 250 triệu đồng và ấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
“Mức phạt cao nhất của tội thao túng thị trường chứng khoán là 7 năm tù. Việc ông Trịnh Văn Quyết bị xử lý hình sự sẽ mang tính răn đe rất cao cho các nhà đầu tư chứng khoán hiện nay, cũng phần nào giải tỏa khúc mắc cho dư luận, nhà đầu tư thời gian qua. Điều này để thấy, người thực hiện hành vi vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bị xử lý”, luật sư Trương Thanh Đức nói với Người Đưa Tin.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhận định, vụ án sẽ nghiêm trọng phức tạp hơn trong trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra. Chính vì vậy, khó có thể tiên lượng chính xác được mức xử phạt đối với Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Nhiều vụ thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý
Cũng theo vị luật sư này, đây không phải là lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam có người bị khởi tố, bị bắt với tội danh Thao túng thị trường chứng khoán.
Còn nhớ ngày 3/12/2010, ông Lê Văn Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Viễn Đông cùng 3 đồng phạm đã bị xử lý hình sự tội thao túng giá chứng khoán. Vụ án này, ông Dũng bị xử phạt 4 năm tù, 3 đồng phạm còn lại là Lê Văn Mạnh bị xử phạt 2 năm, Lê Minh Truyền 12 tháng tù treo và Nguyễn Văn Việt bị phạt 12 tháng 26 ngày tù.
“Vụ án tại Dược phẩm Viễn Đông là vụ án thao túng giá chứng khoán đầu tiên bị xử lý hình sự khi tội danh mới này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 1/1/2010”, luật sư Đức thông tin.
Hay hồi tháng 5/2020, vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán cũng diễn ra tại Công ty Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận (KSA). Vụ án này, bà Phạm Thị Hinh - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty KSA, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VSM bị xử phạt 18 tháng tù; 3 đồng phạm Nguyễn Anh Tuấn, Trần Hồng Ngọc và Nguyễn Trọng Hùng bịphạt 15 tháng tù treo về cùng tội danh.
Gần đây nhất là hồi đầu năm 2022, thị trường chứng khoán cũng được một lần dậy sóng với thông tin khởi tố, bắt giam một giám đốc thao túng giá cổ phiếu. Theo đó, trong ngày 24/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra hành vi tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu Công ty Cổ phần liên danh SANA WMT (Công ty Cổ phần ASA).
Ông Nguyễn Văn Nam - nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần ASA đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng, niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.
Luật sư Trương Thanh Đức Phải nhấn mạnh rằng, hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây ra thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính. Nhưng quan trọng hơn, nó không chỉ làm méo mó giá một vài mã chứng khoán, ảnh hưởng đến một vài công ty, mà còn ảnh hưởng rất xấu đến cả thị trường.
“Chỉ số chứng khoán có thể bị lệch lạc bởi một vài mã chứng khoán. Điều nguy hiểm nhất là việc thao túng giá chứng khoán sẽ làm mất lòng tin vào thị trường, mà đối với thị trường chứng khoán thì lòng tin có vai trò quyết định. Nếu nhà đầu tư quay lưng lại với thị trường thì mục tiêu huy động vốn và khả năng thanh khoản chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng xấu”, luật sư Đức nhìn nhận.