vĐồng tin tức tài chính 365

Cách Nga xây dựng hệ thống thanh toán riêng để né trừng phạt

2022-03-30 12:56

Hệ thống thanh toán nội địa của Nga vẫn hoạt động trơn tru sau khi Visa và Mastercard rời đi đầu tháng này. Phương Tây coi việc các đại gia thẻ rời Nga là vấn đề lớn, nhưng trên thực tế lại không phải vậy. Phần lớn người Nga vẫn dùng được thẻ logo MasterCard và Visa để thanh toán nội địa.

Theo báo cáo Nilson Report, đến cuối năm 2020, có khoảng 197 triệu thẻ Mastercard và Visa tại Nga. Nhưng chúng không phụ thuộc vào hệ thống thanh toán của Mỹ. Nhiều năm qua, các hãng thẻ này sử dụng hệ thống thanh toán được quản lý bởi Ngân hàng Trung ương Nga.

Hệ thống Thanh toán Thẻ Quốc gia (NSPK) điều hành một hệ thống tài chính xử lý các giao dịch thẻ tại Nga, kể cả thẻ mang logo Mastercard và Visa. Hệ thống trên là một phần trong nỗ lực 8 năm qua của Nga nhằm giúp nền kinh tế miễn nhiễm với sức ép tài chính từ phương Tây. Điện Kremlin đã tích cực quảng bá hãng thẻ riêng của Nga – Mir – được xây dựng trên cơ sở hạ tầng của NSPK. Theo website của Mir, hiện tại, hơn 100 triệu thẻ Mir đã được phát hành kể từ khi ra mắt năm 2015.

Thẻ sử dụng hệ thống thanh toán Mir được công bố năm 2015. Ảnh: Zuma Press

Thẻ sử dụng hệ thống thanh toán Mir được công bố năm 2015. Ảnh: Zuma Press

Hệ thống thanh toán này là chiến thắng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến tài chính với phương Tây. "Chúng tôi phục vụ an ninh quốc gia trong lĩnh vực thanh toán", Alma Obayeva – Giám đốc Hội đồng Thanh Toán Quốc gia Nga cho biết.

Dù vậy, việc Visa và Mastercard rút khỏi Nga cũng khiến người Nga gặp khó khăn khi thanh toán ở nước ngoài. Hệ thống Mir chỉ áp dụng với một số nước nhỏ quanh Nga, chủ yếu là các nước thuộc Liên Xô cũ. Vài ngày gần đây, quan chức Nga đã đàm phán để mở rộng số nước chấp nhận sang Venezuela và Iran, theo TASS. Một số nhà băng Nga thì cho biết đang tìm hiểu hợp tác với UnionPay của Trung Quốc để phát hành loại thẻ giúp khách hàng sử dụng được ở nhiều nơi hơn.

Trong một cuộc điện đàm hồi tháng 2, thảo luận về khả năng trừng phạt Nga, các lãnh đạo Visa, MasterCard và nhiều hãng thanh toán khác đã nói với quan chức Bộ Tài chính Mỹ rằng việc cấm các mạng thanh toán của Mỹ xử lý giao dịch ngân hàng của Nga sẽ không có nhiều tác động. Các lệnh trừng phạt sẽ chỉ đẩy giao dịch về phía Mir nhiều hơn.

Trên thế giới, ngày càng nhiều quốc gia chọn phát triển hạ tầng thanh toán riêng, khiến tầm ảnh hưởng của Visa và MasterCard bị hạn chế. Từ đó, khả năng Mỹ tác động đến các nước thông qua lệnh trừng phạt với hệ thống ngân hàng cũng giảm đi. UnionPay của Trung Quốc xử lý hầu hết giao dịch trong nước với thẻ phát hành bởi các ngân hàng nội địa. Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ thì đã khởi động hệ thống riêng vài năm qua để giảm sự phụ thuộc của các ngân hàng vào Visa và MasterCard.

Nga đã cố gắng giảm tác động tài chính từ phương Tây sau khi bị áp lệnh trừng phạt năm 2014 vì sáp nhập Crimea. Thời điểm đó, Visa và Mastercard xử lý hầu hết hoạt động thẻ tại Nga. Mạng lưới của họ đóng vai trò liên kết giữa người bán và các ngân hàng phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng.

Tháng 3/2014, hàng trăm nghìn người Nga nhận ra thẻ của họ không hoạt động chỉ sau một đêm. Các lệnh trừng phạt của Mỹ quanh vấn đề Crimea khiến Visa và Mastercard phải chặn dịch vụ với một số ngân hàng Nga.

Giới chức Nga ngay lập tức nhận ra vấn đề. Chỉ trong vài tháng, Tổng thống Putin ký luật thành lập NSPK. Visa và Mastercard sau đó bị yêu cầu chuyển lại hoạt động xử lý giao dịch cho NSPK. Ban đầu, hai công ty này phản đối và cho biết sẽ rời Nga. Nhưng đến đầu năm 2015, họ đồng ý sử dụng hệ thống của NSPK.

Cùng năm đó, NSPK ra mắt Mir. Trong tiếng Nga, từ này có nghĩa "thế giới" và "bình yên". Nó được chọn thông qua một cuộc thi trên Internet.

Ban đầu, người Nga không mấy mặn mà với việc đổi thẻ thương hiệu Visa và Mastercard sang thẻ Mir. Đến năm 2017, Nga thông qua luật yêu cầu các ngân hàng trả lương lưu và lương công chức qua thẻ Mir. Số người sử dụng thẻ Mir vì thế tăng vọt. Đến cuối năm 2020, số thẻ phát hành lên đến 95 triệu, từ 2 triệu năm 2016. Mir cũng được chấp nhận tại nhiều máy POS.

NSPK còn đầu tư rất mạnh tay vào việc quảng bá Mir, tài trợ cho đội tuyển bóng đá quốc gia và tung các khuyến mãi hấp dẫn như hoàn tiền. Nhờ xử lý thanh toán, NSPK đã thu về cho ngân sách lượng lớn phí giao dịch mà lẽ ra chảy vào Visa và Mastercard. Năm 2020, hệ thống thanh toán này kiếm được 8,2 tỷ ruble (94 triệu USD) lợi nhuận ròng.

Vài tuần gần đây, việc phát hành thẻ Mir càng bùng nổ do các đại gia thẻ nước ngoài rời đi. Ngân hàng hàng đầu của Nga – Rosbank – ghi nhận nhu cầu thẻ ghi nợ hoạt động trên hệ thống Mir tăng hơn gấp đôi trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. "Nhu cầu thẻ Mir đang rất điên cuồng", bà Obayeva nói, "Người dân xếp hàng dài chờ mở thẻ".

Hà Thu (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.3225444-tahp-gnurt-en-ed-gneir-naot-hnaht-gnoht-eh-gnud-yax-agn-hcac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cách Nga xây dựng hệ thống thanh toán riêng để né trừng phạt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools