Tối 28-2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt Những dấu ấn lịch sử kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ, qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất và tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử.
Thủ tướng nhận định những tư tưởng lớn - dân tộc – khoa học – đại chúng với tinh thần cách mạng mạnh mẽ, đột phá và tính nhân văn sâu sắc trong đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 đã thổi luồng gió mới, có tác dụng thức tỉnh, thu hút, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình. Ảnh: TRẦN HUẤN |
Từ trong khủng hoảng, mất phương hướng, hoài nghi, bế tắc, nhiều văn nghệ sĩ đã được định hướng về trách nhiệm xã hội đi theo ngọn cờ chính nghĩa của Đảng, tham gia cách mạng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: 80 năm qua, đặc biệt gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn.
Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng và sự hòa quện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân. Được bảo tồn, phát huy từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Thủ tướng, truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, phong cách con người Việt Nam. "Văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng…"- Thủ tướng nói.
Trong giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ, những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp, cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn…,
Nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động về văn hóa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận định nhiệm vụ quan trọng của mỗi người dân Việt là gìn giữ, bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại.
Đó là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Để làm được mục tiêu đó, cần sự chung sức, đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra….
Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam; quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước".
Nhiều tiết mục nghệ thuật được dàn dựng đặc sắc. Ảnh: TRẦN HUẤN |
Cũng theo Thủ tướng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thẩm thấu sâu sắc vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa; đầu tư thích đáng cả nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế.
"Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - đã và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc; như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"- Thủ tướng nhắc lại.