Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của Thành ủy TP.HCM bước đầu đã xây dựng cơ chế cụ thể để phòng, chống tiêu cực.
Để phòng ngừa việc thông tin phản ánh của người dân rơi vào hư không, Quy định 1374 ghi rõ thời hạn: Trong vòng bảy ngày làm việc, cơ quan được phân công phải báo cáo bằng văn bản cho thường trực cấp ủy cùng cấp xem xét, xử lý và trong vòng 20 ngày tiếp theo, Ban Thường vụ cấp ủy quyết định việc xem xét, xử lý… Thời hạn này đòi hỏi sự tập trung, quyết liệt của nhiều cá nhân, tổ chức.
Đã có hàng trăm trường hợp bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền khi thực hiện quy định này.
Riêng quận 4, sau năm năm thực hiện quy định đã tiếp nhận và giải quyết 79 thông tin phản ánh, trong đó có 53,2% thông tin đúng. Từ đó, quận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm bảy vụ việc, thi hành kỷ luật năm đảng viên, kiểm điểm rút kinh nghiệm năm tổ chức Đảng, 11 đảng viên.
Đó là những con số cho thấy tín hiệu khả quan bước đầu về hiệu quả của Quy định 1374. Nhưng để hướng tới giá trị cốt lõi là xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, mọi hành động trong quy trình cần hướng tới mục đích đã nêu: Góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Điều này càng thiết thực khi HĐND TP.HCM đã thống nhất lấy chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
Những năm gần đây, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) được khảo sát trên toàn quốc cho thấy đầu tàu kinh tế của cả nước rất cần cải thiện thứ hạng. Trong đó, yêu cầu cấp bách là phải khắc phục vấn nạn người dân, tổ chức bị phiền hà, sách nhiễu, phải nộp thêm tiền “bôi trơn”. Nhìn vào đây để thấy việc thực hiện chủ đề năm của TP.HCM đang gắn chặt với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhưng để thực hiện tốt công tác chống để xây, quy trình trên cần được tiếp tục thực hiện chặt chẽ, quyết liệt ở từng khâu, từng bước: Tiếp nhận thông tin phản ánh; xác minh thông tin phản ánh; khảo sát, thu thập thông tin; phân tích, đánh giá thông tin. Việc thực hiện nghiêm túc các bước này trong từng cấp sẽ đem lại thông tin chính xác, từ đó khâu xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm mới công tâm, mang tính xây dựng.
Ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định: Ban chỉ đạo sẽ có vai trò trong việc theo dõi, giám sát, giúp cán bộ yên tâm, thoải mái làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo nên môi trường sống, làm việc tốt hơn để cán bộ yên tâm phục vụ người dân, đồng thời khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Thiết nghĩ, những hành động xây như thế là mục tiêu quan trọng của công tác phòng, chống tiêu cực.