Bộ KH&ĐT vừa báo cáo Thường trực Chính phủ về việc triển khai xây dựng nghị quyết (NQ) thay thế NQ 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM. Trong đó, bộ này cho biết còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số cơ chế, chính sách do chính quyền TP.HCM đề xuất.
Chưa đưa vào dự thảo nghị quyết
Theo hồ sơ do UBND TP.HCM trình vào giữa tháng 1, dự thảo NQ trên có đề xuất đánh thuế cao đối với những người sở hữu nhà thứ hai. Tuy nhiên, quá trình tham vấn các bộ, ngành dự thảo NQ thay thế NQ 54 mới nhất đã không còn nội dung này.
Cụ thể, Bộ KH&ĐT cho biết đến ngày 24-2 có 16/16 bộ, ngành gửi văn bản, dự thảo văn bản góp ý vào dự thảo NQ. Hầu hết ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương thống nhất về sự cần thiết xây dựng NQ thay thế NQ 54. Đối với 48 cơ sở chính sách chính quyền TP đề xuất, có 10 cơ chế đã được quy định tại NQ 54, ba chính sách được một số địa phương đang áp dụng, chín chính sách có trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới.
Với 26 cơ sở chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các luật hiện hành, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng. Tuy nhiên, còn một số nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, phạm vi tác động lớn cần xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Người dân tìm hiểu mua nhà tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Cụ thể là việc đánh thuế cao đối với người sở hữu nhà thứ hai trở lên. Đây là cơ chế tạo nguồn thu ngân sách cho TP và kết quả thí điểm là cơ sở xem xét áp dụng trên phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, qua thảo luận còn tồn tại các bất cập.
Chẳng hạn, chính sách này có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp, như người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có hai nhà ở, đất ở trở lên có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế; chưa phù hợp với điều kiện thực tế vì các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ và việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên.
Song song đó, cơ chế này còn tác động đến thị trường bất động sản, làm giảm cả cung và cầu thị trường bất động sản trên địa bàn TP. Đặc biệt, hiện có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế cao đối với việc sở hữu nhà đất thứ hai trở lên. Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị cân nhắc chưa đưa vào dự thảo NQ.
Cho phép triển khai BOT đối với hai dự án
Về đề xuất đầu tư BOT trên đường hiện hữu, Bộ KH&ĐT cho biết theo NQ 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật đối với dự án BOT, trong đó quy định chỉ áp dụng hình thức BOT đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Do vậy, việc chính quyền TP.HCM đề xuất áp dụng hình thức BOT đối với dự án đường hiện hữu cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với người dân xung quanh dự án, cũng như tính hợp lý trong quá trình lắp đặt các trạm thu phí.
Sau khi họp bàn, Bộ KH&ĐT không đưa vào dự thảo NQ một quy định chung cho tất cả dự án, mà cho phép triển khai BOT đối với hai dự án cụ thể gồm: Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và dự án đường trên cao số 5.
Về việc áp dụng hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trả bằng ngân sách TP, Bộ KH&ĐT cho biết có nhiều ý kiến còn e ngại việc áp dụng hợp đồng BT trả bằng ngân sách. Nguyên nhân, chi phí đầu tư có thể cao hơn so với đầu tư công do phải chi trả phần lãi vay và lợi nhuận của nhà đầu tư; việc lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư có thể không công khai, minh bạch, chủ yếu áp dụng chỉ định thầu; một số dự án không bố trí kịp ngân sách để chi trả nên hiện nay đang tạo gánh nặng trả nợ cho Nhà nước.
Mặt khác, cơ chế BT trả bằng ngân sách nhà nước chưa gắn với trách nhiệm vận hành của nhà đầu tư, phương thức quản lý dự án chưa chặt chẽ như các dự án đầu tư công nên có thể dẫn đến chất lượng dự án không được bảo đảm.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT vẫn đưa vào dự thảo NQ vấn đề này. Trong đó, cho phép TP.HCM được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức BT trên địa bàn, là hình thức hợp đồng được ký kết giữa TP và nhà đầu tư để xây dựng công trình; sau khi xây dựng hoàn thành, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho TP và sẽ được TP thanh toán bằng vốn ngân sách TP cho nhà đầu tư.•
Dự kiến trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 3-2023
Theo yêu cầu của Chính phủ, dự thảo NQ thay thế NQ 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM dự kiến trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 3-2023.
Tháng 4-2023 sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần một và đến tháng 5 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần hai. Cuối tháng 5, dự thảo NQ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp.