Thời gian gần đây, vườn dâu tây đẹp như ở Đà Lạt của hợp tác xã Phú Thịnh ở xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An được nhiều giới trẻ chọn làm nơi để check-in và tận tay hái những quả dâu tây chín mọng, căng tròn.
Anh Nguyễn Văn Sơn, 32 tuổi , trú tại xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An là chủ nhân của vườn dâu tây này. Tốt nghiệp trường cử nhân sinh học, thạc sĩ khoa học cây trồng, ra trường từng làm việc tại một tập đoàn lớn nhưng chàng trai trẻ này vẫn muốn lập nghiệp trên chính quê hương mình.
Khi đang là sinh viên ngành sinh học Trường Đại học Vinh, nam thanh niên giành được một suất thực tập ở Israel. Một năm ở đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới, đã mang lại cho Sơn nhiều kiến thức mới mẻ, nhiều kinh nghiệm quý. Từ đó, anh Sơn có ý tưởng khởi nghiệp bằng cách đưa dâu tây (nhiều người còn gọi là cây nhà giàu") về mảnh đất Nghệ An để trồng. Theo Sơn, ở Israel có điều kiện khí hậu khá tương đồng với Nghệ An. Họ trồng được nhiều nông sản có giá trị, trong đó có dâu tây. Nhận thấy cây dâu tây có giá trị kinh tế lớn mà không quá khó trong khâu chăm sóc nên Sơn đã quyết định đưa loài cây này về trồng ở bãi đất bồi ven sông Lam.
Khi đã có kinh nghiệm và tiết kiệm được số vốn, Sơn quyết định khởi nghiệp. Để thực hiện ý tưởng của mình, chàng trai trẻ dã mạnh dạn vay mượn thêm để đủ 500 triệu đồng, thuê bãi bồi rộng 2.500m2 ven sông Lam để làm trang trại, xây dựng hệ thống nhà màng. Ngoài dâu tây, Sơn còn trồng thêm nhiều loại cây trồng theo mùa vụ khác như: Cà chua, súp lơ baby, ớt chuông, dưa lưới,...Những loài cây trồng này cũng mang lại thu nhập không hề nhỏ.
Quy trình chăm sóc, chăm bón cho cây dâu tây chủ yếu bằng phân hữu cơ, với hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo an toàn. Hiện tại mỗi ngày, vườn dâu tây của anh Sơn cho thu hoạch từ 9- 10kg.
Theo Sơn, dâu tây là cây trồng ưa lạnh, vì vậy thời điểm thích hợp để trồng là vào thời điểm cuối tháng 9 Dương lịch và kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 3 năm tiếp theo. Có những ngày thời tiết thuận lợi, vườn dâu tây của hợp tác xã Phú Thịnh đón 40 - 50 du khách tới thăm quan. Hiện tại, lượng dâu tây tại vườn không đủ cung cấp cho khách.
Khoản tiền từ bán vé vào vườn, thuê trang phục chụp ảnh và bán dâu tây đưa lại khoản thu không nhỏ cho ông chủ trang trại này.
Du khách đến vườn sẽ được tự tay thu hoạch những quả dâu tây chín mọng ngay tại vườn với giá vé 30.000 đồng/1 người. Sau khi hái xong, du khách sẽ mua lại số dâu tây mà mình đã hái với giá 300.000 đồng/1 kg.
Ngoài phát triển quy mô trang trại, thử nghiệm và bước đầu thành công với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, Sơn đang tích cực chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng. Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh do anh Sơn làm giám đốc có 20 thành viên, chủ yếu là nông dân xã Hưng Thành. Hiện tại hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Phú Thịnh đang trồng các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn Vietgap. Các sản phẩm của hợp tác xã rất được thị trường đón nhận.
Hiện tại, hợp tác xã đang hướng tới thị trường khách lẻ nhưng ổn định. Bình quân thu nhập của hợp tác xã đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm. Anh Nguyễn Văn Sơn cũng dự kiến sẽ mở rộng mô hình sản xuất của mình, đồng thời kết hợp làm du lịch, tăng hiệu quả kinh tế.
Xem thêm: lmth.018495a-nab-ud-gnohk-mal-gnos-nev-gnort-uaig-ahn-yac-gnoig-aud-nein-hnaht/nv.nitaudiougn.www