Bạn có thấy bực mình khi buộc phải nghe những âm thanh phiền phức đó?
Giờ từ quán nhậu, ra sân bay đến trên xe khách, từ phòng tập gym đến bệnh viện cần yên tĩnh... nơi nào cũng có thiết bị "oanh tạc" bằng giọng người lạ. Những cuộc nói chuyện có khi mấy chục phút, khủng bố đôi tai người xung quanh.
Gọi video call, một hình thức giao tiếp qua hình ảnh, giờ đang được nhiều người ưa chuộng.
Gọi miễn phí, thời gian gọi vô tư, thấy được biểu cảm của nhau, thậm chí thấy được cảnh và người xung quanh, nên nhiều người thích. Được vậy nên nhiều người vô tư gọi nhau, bất kể ở đâu, giờ nào, với ai.
Có lần tôi đi xe khách gường nằm về quê, khoảng 10h khuya, khi mọi người trên xe đang thiu thiu vào giấc bỗng có tiếng chuông điện thoại của ai đó réo vang.
Nữ hành khách trên xe oang oang: "Sao giờ này chưa ngủ mà còn điện thoại cho tao?".
Và rồi câu chuyện của họ xoay quanh chuyện chị trên xe vừa đi thành phố hút mỡ bụng. Từ chuyện phẫu thuật bao lâu, mất bao nhiêu tiền, có đau hay không... đến chuyện chồng chị nói gì về chuyện vợ đi thẩm mỹ viện...
Chị cứ vô tư nói, vô tư bật loa ngoài, thành ra hai bên nói gì người trên xe nghe rõ hết. Đến cả chuyện những người cùng đến cắt mắt sửa mũi, họ đẹp xấu thế nào, diễn viên nọ ca sĩ kia đã "sửa" những gì...
Lần khác, cũng trên xe, hành khách lại phải nghe hết câu chuyện gia cảnh đang bất hòa của một phụ nữ trung niên khi chị gọi cho ai đó. Con dâu nói gì, con trai đánh vợ ra sao, đứa cháu vừa khóc vừa nói những gì...
Cứ thế, cả xe nghe chuyện vừa thương vừa giận và cả bực mình do ồn ào, không ngủ nghỉ được gì.
Chuyện này cũng không thiếu ở bệnh viện, nơi cần sự riêng tư và yên tĩnh.
Khi vào nuôi bệnh, thân nhân bệnh nhân rảnh rang gọi điện thoại về quê. Thôi thì đủ chuyện, từ sức khỏe, công việc, ruộng đồng với người lớn trong nhà xong lại bắt sang nói chuyện với cô cháu gái đang học tiểu học qua màn hình.
Rồi chỉ đớt đát nói chuyện với đứa bé mới chỉ vài tháng, khi bé vừa mới ngủ dậy. Hết đứng lại ngồi, hết xoay trái rồi nghiêng phải, mà hình máy điện thoại chị lia khắp phòng bệnh, nơi nhiều cụ bà đang trong tư thế mệt mỏi vì đau bệnh.
Xuống căng tin, ra ghế đá, chỗ nào cũng gặp những ồn ào từ những cuộc gọi lê thê ồn ào.
Có lần ra tiệm tóc lại gặp cảnh cô thợ vừa gội đầu cho khách vừa nói chuyện qua video với anh ruột ở quê. Từ chuyện mua sắm đến chuyện heo gà, cơm nước... cứ vô tư vậy. Chị khách đang nằm trên ghế gội đầu khó chịu nhưng không nói gì.
Trong phòng tập gym, cũng không ít nam thanh nữ tú hay thậm chí là ông nội, bà ngoại rảnh tay rảnh miệng gọi điện tám chuyện nhà, chuyện thế giới, xuyên quốc gia, chuyện đủ thứ dự án này khác.
Không biết vô tình hay cố ý, họ ghi lại cảnh phòng tập, nơi nhiều người đang mặc trang phục ôm sát không muốn lọt vào máy quay của ai.
Dù không ồn đến điếc tai cả xóm như karaoke kẹo kéo nhưng việc bị ép nghe chuyện người khác, có khi là cả giờ liền, cũng làm nhiều người khó chịu, căng thẳng.
Thỉnh thoảng có người lên tiếng góp ý nhắc nhở để người đang nói tắt âm thanh, nói vừa đủ nghe. Nhưng rồi cũng không thay đổi được mấy thực tế đáng buồn là người người lạm dụng cuộc gọi video và phát loa ngoài.
Đừng phơi chuyện mình trên loa điện thoại
Vẫn có những dòng chữ nhắc đi nhẹ nói khẽ ở nơi đông người, để tránh làm phiền người khác. Nhưng chữ cũng thành vô nghĩa khi người đọc không để tâm mấy tới lời nhắc và ý nghĩa của con chữ.
Môi trường chúng ta sống không chỉ cần xanh và sạch mà còn cần cả yên tĩnh. Hẳn không ai muốn phải nghe chuyện riêng của người xa lạ ở nơi công cộng. Nên nói vừa đủ nghe thôi.
Những hành động nhỏ, mình vì mọi người, như đeo tai nghe vào khi ở nơi đông người, sẽ không có gì là quá khó với những người có văn hóa và văn minh.
TTO - Từ ngày 25-8, quy định mức chế tài đối với vi phạm về tiếng ồn có thể lên đến 160 - 320 triệu đồng (cá nhân - tổ chức) nếu vượt quá 40 dBA.
Xem thêm: mth.26582722210303202-mal-yah-uhn-mal-io-hni-oediv-iog-iol-iohc-iaoht-neid-aol-om/nv.ertiout