Như Dân trí thông tin, khoảng 14h45 ngày 28/2, bà H. (78 tuổi, quê Tây Ninh) đi bộ trên đường Tỉnh lộ 7 (gần với đường Hẻm 9) và băng qua đường. Lúc này, con bò chạy từ đường Hẻm 9 lao ra húc bà H. ngã đập đầu xuống đường, bất tỉnh.
Chưa dừng lại, con bò xông vào nhà vợ chồng anh L.H.N. (36 tuổi) trên đường Hẻm 9. Thời điểm này, anh N. đuổi ra ngoài thì con bò húc chiếc võng làm bé trai 7 tháng tuổi (con của vợ chồng anh N., ngủ trên võng) rơi xuống nền nhà, bị thương nhẹ. Sau đó, con bò chạy rông và bị người dân khống chế.
Người dân đưa bà H. vào bệnh viện cấp cứu, điều trị nhưng do thương tích quá nặng, sau đó nạn nhân tử vong...
Trao đổi với Dân trí, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TPHCM cho biết theo khoản 3, Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015, trường hợp tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong sự việc này, bà H. là người bị thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, còn con trai anh N. thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Điều 590 Bộ luật dân sự, quy định chi phí bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý, phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị và thiệt hại khác.
Theo luật sư, bà H. đã qua đời, căn cứ Điều 591 Bộ luật dân sự thì chủ bò phải có trách nhiệm bồi thường cho đại diện gia đình bị hại số tiền về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và thiệt hại khác do luật quy định.
Đối với khoản tiền cấp dưỡng theo khoản 2, Điều 593 Bộ luật dân sự, nếu bà H. có con chưa thành niên thì chủ bò phải có nghĩa vụ cấp dưỡng tới khi con bà đủ 18 tuổi, trừ trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân. Trong trường hợp bà H. có con là người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
Chủ bò còn có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà H. phải gánh chịu.
Trong đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người bị xâm phạm tính mạng không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tức là 149 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu xác định người chủ này đã thực hiện đúng, đủ các biện pháp nuôi, nhốt, giam giữ vật nuôi nhưng vẫn xảy ra sự việc con bò thoát ra ngoài gây hại cho người đi đường thì đây là sự kiện bất ngờ được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.
Trường hợp người chủ có lỗi trong việc quản lý, giam giữ con bò, cộng với việc giám định bị hại để xác định tỷ lệ thương tích, tính mạng, từ đó có thể xem xét xử lý hình sự về tội Vô ý gây thương tích (Điều 138) hoặc Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295 Bộ luật hình sự 2015)...