Hôm 10/3, Silicon Valley Bank - ngân hàng chuyên cho vay các startup đã bị giới chức California đóng cửa và chuyển quyền quản lý tài sản cho Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). Rắc rối của SVB bắt đầu từ trước đó, khiến cổ phiếu công ty mẹ - SVB Financial Group - giảm tới 60% trong phiên 9/3.
Mã này sau đó tiếp tục lao dốc trước phiên 10/3 và bị ngừng giao dịch. Việc này giúp giới bán khống kiếm lời 513 triệu USD chỉ trong một ngày. "SVB sụp đổ giúp giới bán khống lãi lớn. Nhưng họ sẽ khó đóng trạng thái và thu về số tiền này", Giám đốc phụ trách dự báo S3 Partners Ihor Dusaniwsky nhận xét trên Bloomberg.
Ông giải thích chi phí vay cổ phiếu vẫn tăng lên mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần, dù cổ phiếu đã bị ngừng giao dịch. Lợi nhuận của giới bán khống vẫn giảm cho đến khi họ đóng được trạng thái và hoàn trả số cổ phiếu đi vay.
SVB gặp rắc rối từ hôm 8/3, khi thông báo đang tìm cách huy động hơn 2 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán, sau khi lỗ 1,8 tỷ USD do bán chứng khoán. Thông tin này khiến nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoảng loạn và khuyên các doanh nghiệp rút tiền khỏi SVB.
Làn sóng rút tiền mạnh đến mức khiến SVB không thể xoay chuyển tình thế. Ngân hàng này sau đó phải từ bỏ nỗ lực huy động vốn và tìm người mua tài sản.
Việc sụp đổ của SVB diễn ra chỉ một ngày sau khi Silvergate Capital Corp thông báo thanh lý tài sản và tự nguyện dừng hoạt động Silvergate Bank - ngân hàng chuyên cho vay giới tiền số. Điều này cũng đồng nghĩa giới bán khống lại kiếm được khoản lời lớn. Vì không như SVB Financial Group, cổ phiếu Silvergate Capital Corp vẫn đang được giao dịch.
Hà Thu (theo Bloomberg)