Lập luận tăng giờ làm trong tuần của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là người lao động vẫn có thể có nhiều thời gian rảnh hơn vì sẽ có quy định cụ thể về số giờ làm việc mỗi tháng, mỗi quý hoặc mỗi năm.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ hạn chế làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần trong 3 tuần liên tiếp. Người lao động sẽ được chọn khi nào làm việc và làm trong bao lâu.
Người lao động Hàn Quốc có nhiều lựa chọn hơn?
Hiện tại, theo quy định, người lao động ở Hàn Quốc làm việc tối đa 52 giờ mỗi tuần (40 giờ làm chính thức và 12 giờ làm thêm). Các doanh nghiệp vi phạm quy định có thể phải đối mặt với án tù hoặc phạt tiền.
Với quy định mới, ngoài 40 giờ làm chính thức, chủ doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động làm thêm tối đa 29 giờ mỗi tuần.
Như vậy, Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik khẳng định hoàn toàn có khả năng một tuần chỉ làm việc 4 ngày.
"Hệ thống giờ làm việc hiện tại không đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của người sử dụng lao động và người lao động bằng cách hạn chế sự lựa chọn của người lao động cũng như các công ty", Bộ trưởng Lee tuyên bố.
"Điều này không phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu vốn nhấn mạnh đến quyền được lựa chọn và quyền được chăm sóc sức khỏe".
Bộ Lao động cũng đề xuất thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 11 giờ giữa các ca làm việc. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói đề xuất này không tính thời gian đi làm, email sau giờ làm việc và các tin nhắn liên quan công việc.
Quyết định của Chính phủ Hàn Quốc bị phản đối mạnh mẽ
Minbyun, một nhóm luật sư có quan hệ chặt chẽ với phe đối lập, khẳng định đề xuất tăng giờ làm việc không giải quyết được các vấn đề gì, ngay cả khi nó giới hạn số giờ làm hằng quý hay hằng năm.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thời gian làm việc kéo dài được cho là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ sinh của Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, trong khi tỉ lệ tự tử lại thuộc hàng cao nhất ở mức 24,1/100.000 người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng có mối liên hệ giữa thời gian làm việc kéo dài với tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
Năm 2021, bà Maria Neira - giám đốc bộ phận biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe của WHO - đã khẳng định làm việc 55 giờ trở lên mỗi tuần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Người lao động phản đối mạnh mẽ đề xuất này vì lo ngại nó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng lao động khuyến khích họ làm nhiều thêm trong những giai đoạn cao điểm.
"Họ nói rằng tổng số giờ chúng tôi làm việc hằng năm sẽ giữ nguyên hoặc giảm xuống", một công nhân 34 tuổi tại Samsung cho biết. "Nhưng luôn có nhiều việc để làm. Chúng ta có thể thấy nhiều vụ tử vong liên quan đến làm việc quá sức nếu một tuần làm tới 69 giờ".
Một số người khác thì cho rằng việc quyết định tăng giờ làm là vô nghĩa vì trên thực tế họ đang phải làm như thế rồi. "Làm việc đến 9 hoặc 10h tối là bình thường với tôi", một nhân viên tại LG cho biết.
"Thực tế tôi làm việc nhiều hơn quy định 52 giờ. Vì vậy, khi tôi thấy báo chí đưa tin đề xuất làm việc 69 giờ/tuần, tôi không hiểu nổi. Dù sao thì tôi cũng đang làm việc nhiều như vậy", người này nói thêm.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, Chính phủ Hàn đang tìm cách trình đề xuất này cho Quốc hội phê chuẩn vào tháng 7.
Để giúp con em có cơ hội nắm chắc trong tay tấm vé vào đại học, đặc biệt là những trường đại học danh giá, phụ huynh Hàn Quốc đã chi 26.000 tỉ won (khoảng 20 tỉ USD) cho các lớp học thêm trong năm 2022.
Xem thêm: mth.31234648021303202-naut-iom-oig-96-ceiv-mal-pehp-ohc-noum-couq-nah-uhp-hnihc/nv.ertiout