Sáng 19.3, trao đổi với PVThanh Niên, bác sĩ Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (đóng tại H.Đại Lộc, Quảng Nam), cho biết sau khi dùng thuốc giải độc, những bệnh nhân trở nặng phải thở máy trong vụ ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá ủ chua hiện sức khỏe đã cải thiện một phần.
Đem 5 lọ thuốc cực hiếm ra Quảng Nam cứu người ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua
Theo bác sĩ Mười, sau khi tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) nhập viện do ngộ độc thực phẩm, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã làm các xét nghiệm và chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.
Ngay sau đó, bệnh viện đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị. Tiếp nhận đề nghị hỗ trợ, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam.
"Các chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum ra hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Sau khi cho sử dụng thuốc đặc trị giải độc Botulinum, hiện sức khỏe 3 bệnh nhân thở máy đã ổn, cải thiện được một phần. Hiện các chuyên gia còn ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi thêm", bác sĩ Mười nói.
Theo bác sĩ Mười, thuốc giải độc Botulinum là loại thuốc hiếm, ít được sử dụng và có giá rất đắt. Mỗi lọ thuốc hiện có giá trị hơn 6.000 USD.
"Loại thuốc này chỉ giải độc đặc hiệu đối với Botulinum. Sau khi đánh giá, các chuyên gia quyết định sử dụng 3 lọ thuốc giải độc cho 3 bệnh nhân đang phải thở máy. Những bệnh nhân còn lại đang được theo dõi kỹ lưỡng, cân nhắc thời điểm cần sử dụng thuốc giải độc", bác sĩ Mười nói.
Cũng theo bác sĩ Mười, hiện bệnh viện đang điều trị cho 9 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn cá chép ủ chua. Trong đó, có 5 bệnh nhân bị nặng được cấp cứu vào ngày 17.3 và 4 bệnh nhân nhập viện vào ngày 7.3.
"5 bệnh nhân mới nhập viện, đến sáng nay 19.3, sức khỏe đã ổn định được một phần. Riêng 4 bệnh nhân cũ sức khỏe cơ bản đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, do thời gian bán thải chất độc phải mất khoảng 3 tuần nên các bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để theo dõi kỹ", bác sĩ Tô Mười thông tin thêm.
Xem nhanh 12h ngày 19.3: Tiếp vụ 4 tiếp viên Vietnam Airlines | Đưa thuốc giải quý cứu người ngộ độc
Không sử dụng các món ăn liên quan cá chép làm chua
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 12 giờ 16.3, nhóm 5 người ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh H.V.Đ (29 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Kim, H.Phước Sơn, Quảng Nam).
Các món ăn gồm cá chép làm chua, chim nướng, cơm. Đến 19 giờ cùng ngày (16.3), người đầu tiên trong 5 người ăn có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Sau đó, 3 người khác cũng mắc triệu chứng tương tự. Trong 5 người cùng ăn trưa, 1 người không ăn món cá làm chua thì không bị ngộ độc.
Trước đó, ngày 7.3, trên địa bàn thôn 2 (xã Phước Đức, H.Phước Sơn) cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc khiến 1 người chết và 3 người nguy kịch. Những người này đều ăn cá ủ chua.
Tất cả các bệnh nhân đều được Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam chẩn đoán ngộ độc Botulinum.
Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm An toàn viện sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.
Sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc Botulinum do ăn cá ủ chua, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã phát khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan cá chép làm chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng…