vĐồng tin tức tài chính 365

Facebook, Youtube tràn lan tin giả các nghệ sĩ qua đời

2023-03-21 09:53

Thông tin bịa đặt về người nổi tiếng qua đời tràn ngập trên mạng xã hội. Nạn nhân của những trò đùa này là các nghệ sĩ Hồng Nga, Công Lý, Hoài Linh, Nhật Kim Anh, MC Lại Văn Sâm... Thường những bài viết, clip này có lượt xem rất cao.

Tin đồn tràn lan không được kiểm chứng

Mới đây, ngày 20-3-2023, nick Facebook có tên H.N đã đăng tải bài viết với nội dung: “Xuân Bắc, Vân Dung, Cẩm Vân xót xa thông báo về việc nghệ sĩ Công Lý ra đi mãi mãi ở tuổi 48”. Thực hư câu chuyện chưa rõ nhưng khiến nhiều người hoang mang, một số người còn để lời chia buồn ở dưới phần bình luận. Thực tế, đây là thông tin sai sự thật, nhằm câu like, gây hoang mang dư luận.

Trước đó vài ngày, người dùng Facebook có tên T.T đã đưa tin MC Lại Văn Sâm qua đời, hưởng thọ 65 tuổi. Thậm chí còn câu view với tiêu đề: “Trực tiếp lễ tang MC Lại Văn Sâm tại nhà tang lễ Hà Nội”. Những thông tin này xuất hiện tràn lan trên các hội nhóm Facebook mà người chia sẻ không cần kiểm chứng tính đúng sai của thông tin.

Facebook, Youtube tràn lan tin giả các nghệ sĩ qua đời ảnh 1

Nick Facebook có tên H.N đăng tải thông tin bịa đặt rằng nghệ sĩ Công Lý qua đời (Chúng tôi đã gạch chéo thông tin sai sự thật)

Vài ngày trước, một kênh Youtube đã đăng tải clip với thông tin: “Ca sỹ Nhật Kim Anh đột ngột qua đời ở bệnh viện”. Để tăng tính chân thật, người đăng video còn ghép ảnh nữ diễn viên nằm thở máy ở bệnh viện và cảnh các bác sĩ đứng bất lực trong phòng phẫu thuật như sự việc có thật. Chưa dừng lại, một tài khoản Youtube khác còn khiến diễn viên Hồng Nga và gia đình bức xúc khi lan truyền clip có nhan đề: “Nghệ sĩ cải lương Hồng Nga đột ngột qua đời ở tuổi 76 khiến đồng nghiệp khán giả bàng hoàng”.

Nghệ sĩ Hoài Linh, MC Đại Nghĩa, NSƯT Kim Tử Long, diễn viên Phi Phụng,... cũng từng là nạn nhân của trò đùa này.

Facebook, Youtube tràn lan tin giả các nghệ sĩ qua đời ảnh 2
Facebook, Youtube tràn lan tin giả các nghệ sĩ qua đời ảnh 3

Nghệ sĩ Hồng Nga, ca sĩ Nhật Kim Anh... cũng là nạn nhân của trò đùa gây hại về việc tung tin giả nghệ sĩ qua đời (Chúng tôi đã gạch chéo thông tin sai sự thật).

Mức phạt đối với hành vi đăng thông tin sai sự thật

Tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội đã được cảnh báo lâu nay nhưng người dùng mạng xã hội vẫn liên tục vi phạm. Vậy hành vi này bị xử lý như thế nào?

Theo Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn gây ra cho dư luận, tình hình an ninh trật tự, xã hội, con người… thì sẽ có hình thức và mức xử lý tương ứng về hành chính, dân sự và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với vi phạm hành chính thì căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020 phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài việc bị xử phạt như trên, người vi phạm còn phải khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Mức phạt trên được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Tại Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Về sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định…

Như vậy, cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.

Đối với việc đăng thông tin, hình ảnh người khác sai sự thật đến mức độ truy cứu hình sự thì theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 thay thế bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vu khống.

Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Cách phân biệt tin giả, tin thật

Cuối năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng". Từ cẩm nang này, người dùng mạng xã hội sẽ có thêm kiến thức để nhận biết tin giả, nhận biết các hành vi vi phạm pháp luật phạm pháp khi tham gia mạng xã hội. Từ đó, người dùng mạng xã hội sẽ có những ứng xử phù hợp, hạn chế sự phát tán tin giả và chung tay loại trừ tin giả, tin sai sự thật.

Facebook, Youtube tràn lan tin giả các nghệ sĩ qua đời ảnh 4

Cẩm nang cung cấp kiến thức cơ bản để người dùng mạng xã hội nhận biết một tin giả, tin sai sự thật và cách ứng phó. Ảnh: MINH SƠN

Bộ tài liệu "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" được phát hành theo hình thức sách in, sách điện tử (do Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản) đồng thời được phổ biến trên các mạng xã hội lớn thông qua hình thức các video clip ngắn, dễ hiểu.

Cẩm nang cũng sẽ liên tục được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi trong chính sách quản lý cũng như để ứng phó với những tình huống mới trên không gian mạng.

Người dùng có thể truy cập đường dẫn www.abei.gov.vn để tải cẩm nang này.

Hoặc có thể tải cẩm nang theo đường link tải cẩm nang dưới đây:

https://drive.google.com/file/d/1BgfBHxMFtj6oBuIlqdn4Sss3P1fP20hA/view?usp=share_link

THẢO HIỀN

Xem thêm: lmth.948427tsop-iod-auq-is-ehgn-cac-aig-nit-nal-nart-ebutuoy-koobecaf/nv.olp

“Facebook, Youtube tràn lan tin giả các nghệ sĩ qua đời”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools