Hầm ngầm dành cho quan chức
Tổng thống và các quan chức cấp cao có nhiều lựa chọn. Muốn chỗ gần thì có hầm ngầm dưới cánh đông Nhà Trắng (trung tâm hoạt động khẩn cấp của tổng thống) được xây dựng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Lựa chọn khác là máy bay E-4B (máy bay ngày tận thế) được chế tạo trong những năm 1970. E-4B được thiết kế hiện đại giữ vai trò trung tâm chỉ huy giúp tổng thống bảo đảm liên lạc với bộ trưởng quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Trong trường hợp khẩn cấp, tổng thống và các quan chức cấp cao có thể ở lại trên máy bay đến ba ngày.
Quân đội Mỹ có bốn siêu máy bay như E-4B. Thông thường bộ trưởng quốc phòng sử dụng máy bay trong các chuyến công du nước ngoài để duy trì thông tin liên lạc nhằm chỉ huy và kiểm soát quân đội. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn có thể sử dụng các hầm ngầm.
Trong cuốn sách Hầm ngầm: Cần gì để sống sót ngày tận thế xuất bản vào tháng 8-2021, TS Bradley Garrett (Mỹ) nhận xét một số hầm ngầm quanh Washington D.C. và nhiều nơi khác đã được xây dựng trong Chiến tranh lạnh.
Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư hàng tỉ USD mỗi năm xây dựng hầm ngầm cho các quan chức. Một số hầm ngầm khác được xây dựng theo kế hoạch "Chính phủ liên tục" (COG) sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.
Hầm ngầm hạt nhân ngon lành và an toàn nhất nằm trong khu liên hợp quân sự núi Raven Rock (Lầu Năm Góc ngầm) ở Blue Ridge Summit thuộc bang Pennsylvania. Hầm ngầm được xây dựng đầu những năm 1950, được thiết kế để điều hành hoạt động quân sự trong trường hợp khẩn cấp về hạt nhân và hoạt động như một thành phố độc lập với nhiều tòa nhà trong núi có thể chứa tới 5.000 người đồng thời bảo đảm đầy đủ mọi thứ cần thiết.
Các nghị sĩ Mỹ có nơi trú ẩn riêng nhưng hiện nay chưa biết chính xác ở đâu. Trước đây, đó là hầm tránh bom hạt nhân bí mật dưới vỏ bọc khu nghỉ dưỡng cao cấp Greenbrier tại bang Tây Virginia. Địa điểm này đã bị báo The Washington Post tiết lộ vào năm 1992.
Hầm nằm sâu 6m bên sườn đồi với tường cốt thép dày 0,6m. Trong hầm bố trí nhiều dãy giường tầng. Hiện nay một phần hầm ngầm đã mở cửa cho khách du lịch và phần còn lại dùng để lưu trữ tài liệu.
Trong cuốn sách "Raven Rock: Câu chuyện kế hoạch bí mật của Chính phủ Mỹ tự cứu mình - Trong khi số còn lại trong chúng ta chết" xuất bản vào tháng 5-2017, nhà báo lịch sử Garrett Graff (Mỹ) cho biết cần phân biệt hầm tránh bom và hầm tránh bụi phóng xạ.
Hầm tránh bom được thiết kế để tránh sức nổ của vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân trong khi hầm tránh bụi phóng xạ không được thiết kế để bảo vệ con người khỏi vụ nổ hạt nhân mà chỉ nhằm tránh bụi phóng xạ.
Ông nhận xét trong Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã đầu tư lớn xây dựng cơ sở hạ tầng phòng vệ công cộng nhằm bảo vệ mạng sống người dân khi xảy ra thảm họa. Ông giải thích: "Tại các quốc gia có xu hướng thị trường tự do như Mỹ và Anh, hầm ngầm được xây dựng dành cho các nhà chính trị, giới tinh hoa, người giàu có giữ các vị trí quyền lực. Có rất ít cơ sở dành cho dân chúng".
Người dân tự tìm chỗ trú ẩn
Tuy không chú trọng xây hầm tránh bom cho người dân như Thụy Sĩ hoặc Liên Xô nhưng từ thời Chiến tranh lạnh Chính phủ Mỹ đã tiến hành chương trình hầm tránh bụi phóng xạ. Hàng chục ngàn địa điểm như nhà để xe, tầng hầm trụ sở công được chỉ định làm nơi tránh bụi phóng xạ.
Tại đây có dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, trung tâm chỉ huy và hệ thống liên lạc vô tuyến. Riêng thành phố New York đã có khoảng 18.000 địa điểm như vậy. Cuối những năm 1970, chương trình dừng lại vì kinh phí bị cắt. Các địa điểm trú ẩn theo thời gian xuống cấp hoặc được sử dụng vào mục đích khác.
Trong khi đó, thị phần hầm trú tư nhân đã tăng vọt trong thập niên vừa qua ở Mỹ. Người giàu tìm mua cơ sở hạ tầng cũ thời Chiến tranh lạnh rồi cải tạo thành hầm ngầm. Đặc biệt mối quan tâm xây hầm trú ẩn ở Mỹ gia tăng từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine.
Không có dữ liệu cụ thể nhưng theo nhà báo Garrett Graff, có hàng triệu hầm trú ẩn tư nhân như vậy nếu căn cứ quy mô của ngành xây dựng hầm trú ẩn và số liệu từ Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA). Hầu hết hầm trú tư nhân tập trung ở các bang bờ Tây, có lẽ do các bang này có lịch sử lâu đời về tự cung tự cấp và không cần nhà nước.
Không riêng gì Mỹ, mối quan tâm đến hầm trú ẩn cũng gia tăng ở Anh, đồng minh của Mỹ. Trong ngôi làng nhỏ Kelvedon Hatch ở ngoại ô Brentwood (hạt Essex) có một hầm ngầm tránh bom hạt nhân lớn nhất và sâu nhất nước Anh. Hầm ba tầng bằng bê tông sâu 38m nằm dưới ngôi nhà gỗ được xây dựng trên đất ông bà của cụ ông Mike Parrish trong những năm 1950.
Sau thời gian dùng làm nơi trú ẩn bí mật của chính quyền địa phương thời Chiến tranh lạnh, năm 1992 gia đình Parrish mua lại hầm ngầm của nhà nước và biến nơi đây thành địa điểm du lịch. Báo The Guardian (Anh) ghi nhận khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, đã có nhiều người đến hỏi thuê chỗ dưới hầm ngầm. Ông Parrish (75 tuổi) giải thích dưới hầm có nước riêng, nguồn điện riêng, nhà vệ sinh riêng và có thể chứa 600 người.
Ngoài các hầm ngầm lớn như hầm ngầm của gia đình ông Parrish, còn có các trạm quan sát dưới lòng đất dài chưa tới 5m. Hơn 1.500 trạm quan sát đã được xây dựng từ giữa những năm 1950. Trạm được thiết kế cho ba người là nơi các tình nguyện viên đo bụi phóng xạ và cảnh báo cho dân nếu xảy ra tấn công hạt nhân. Hiện nay nhiều hầm đã hư hỏng nhưng một số đã được người dân mua lại. Một hầm ngầm ở Norfolk được rao bán với giá 25.000 bảng Anh.
Phó giáo sư Luke Bennett tại Đại học Sheffield Hallam (Anh) ghi nhận Chính phủ Anh xây dựng rất ít hầm trú ẩn cho người dân trong Chiến tranh lạnh. Hiện nay, ngoài các trạm quan sát cũ, ước tính còn không quá 50 hầm ngầm thuộc sở hữu nhà nước.
Hầm trú ẩn dân sự lớn nhất thế giới
Năm 1976, Thụy Sĩ đã hoàn thành đường hầm Sonnenberg sau năm năm xây dựng. Đây là hầm trú ẩn dân sự lớn nhất thế giới có sức chứa đến 20.000 người. Hầm dài 1.550m gồm hai đường hầm (mỗi đường một hướng di chuyển) có thể chịu được sức công phá từ vụ nổ hạt nhân 1 megaton cách 1km. Cửa hầm dày 1,5m, nặng 350 tấn.
Giữa hai đường hầm là sở chỉ huy, bệnh viện, đài phát thanh, trạm điện thoại, phòng giam và hệ thống thông gió. Từ năm 1963, hiến pháp Thụy Sĩ quy định nhà nước có nghĩa vụ cung cấp chỗ trú ẩn bụi phóng xạ cho toàn bộ công dân. Hiện nay, 8,6 triệu dân Thụy Sĩ có thể tiếp cận 365.000 nơi trú ẩn đủ chỗ cho gần 9 triệu người.
Tên lửa đạn đạo phóng một đầu đạn hạt nhân 750 kiloton. Đạn phát nổ phía trên khu vực đô thị 3km, hậu quả xảy ra thế nào, cơ hội sống sót nào tốt nhất?
Kỳ tới: Có thể sống sót sau nổ hạt nhân?
"Sự cố tên lửa Na Uy" năm 1995 là lần duy nhất trong lịch sử các nhà lãnh đạo Nga kích hoạt chiếc cặp hạt nhân.