Cú sụp đổ của Silicon Vallley Bank (SVB) tại Mỹ có thể gây ra nguy cơ khiến hàng ngàn công ty khởi nghiệp bị xóa sổ, do khủng hoảng thanh khoản. Sự việc cảnh báo các start-up cần phải có kiến thức quản trị nguồn vốn, tài chính và các phương án dự phòng trong mọi hoàn cảnh có thể xảy ra.
Khi SVB mất khả năng chi trả, Chính phủ Mỹ, Cục Dự trữ liên bang và FDIC (Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang) đều thông báo rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn, vì SVB tập trung cho những lĩnh vực hẹp (khởi nghiệp, công nghệ, bảo vệ môi trường…).
Mặc dù 89% trong tổng số 175 tỉ đô la Mỹ tiền gửi tại SVB vào cuối năm 2022 không được bảo hiểm, FDIC vẫn cho phép tất cả người gửi tiền rút toàn bộ tiền gửi nếu muốn, ngay cả sau khi đã quyết định đóng cửa ngân hàng. Điều này có thể hạn chế phần nào những ảnh hưởng tiêu cực đối với khách hàng từ sự phá sản của SVB.
Tuy nhiên, qua sự việc này, bài học về tài chính và quản lý vốn đối với các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đã cho thấy tầm quan trọng trong hành trình khởi nghiệp.
Theo anh Vũ Quang Hưng - giám đốc bộ phận chứng khoán vốn thuộc phòng đầu tư tự doanh, Công ty Chứng khoán ACB: "Nguồn vốn ổn định là cơ sở để các nhóm dự án dành toàn tâm toàn ý, tập trung chuyên môn nhằm phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình tốt nhất".
Với kinh nghiệm của chuyên gia đầu tư và tư vấn tài chính lâu năm, đồng thời đã khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, anh Vũ Quang Hưng cũng đưa ra 5 lưu ý dành cho các start-up trong việc sử dụng và quản trị nguồn vốn hiệu quả.
1. Luôn có chuyên gia tài chính song hành với chiến lược sử dụng vốn được hoạch định rõ ràng
Không phải nhà sáng lập nào cũng có đủ kiến thức tài chính để quản lý nguồn vốn của doanh nghiệp mới, đặc biệt là doanh nghiệp luôn trong trạng thái "đốt tiền" như các công ty khởi nghiệp.
Chính vì thế, để xây dựng một tổ chức bền vững, việc có sự tham gia của chuyên gia tài chính có kinh nghiệm, một quỹ đầu tư mạo hiểm năng động, hay chấp nhận chi trả để thuê một cố vấn tài chính đồng hành xuyên suốt trong giai đoạn khởi sự đầy khó khăn là nước đi cơ bản trong việc vận hành.
Hoạch định và dự trù kinh phí cho từng giai đoạn theo phương pháp chính xác, bám sát thực tế luôn là đề bài đầu tiên và tiên quyết để thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn vào một công ty khởi nghiệp non trẻ với những ý tưởng hay sản phẩm thử nghiệm.
Để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, các quỹ đầu tư mạo hiểm thường cử ra đại diện giàu kinh nghiệm tham gia vào hội đồng quản trị để giám sát hoạt động của các công ty khởi nghiệp.
Tuy nhiên, không phải quỹ đầu tư mạo hiểm nào cũng có các chuyên gia về tài chính (nhiều lúc họ chỉ là chuyên gia về vận hành, marketing, quy trình,…) và người quản trị ấy chưa chắc có đủ thời gian để theo sát công ty khởi nghiệp mà họ rót vốn vào. Việc có một nhân sự có chuyên môn tài chính hay CFO ngay tại trong công ty là điều cần thiết để có thể can thiệp xử lý ngay trong mọi tình huống.
2. Chọn gửi tiền tại ngân hàng uy tín và ổn định khi khởi nghiệp
Tùy theo chính sách và chiến lược của từng quỹ đầu tư mạo hiểm mà nguồn tiền rót vào các công ty khởi nghiệp sẽ được phân chia theo nhiều cách, nhưng đa phần sẽ là một lượng tiền lớn hơn nhiều so với nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp ấy.
Do đó, thay vì mua sắm không có kế hoạch, các start-up nên chắt chiu từng đồng thu về (bao gồm doanh thu, lợi nhuận nếu có) vào tài khoản tiền gửi với bảo hiểm tiền gửi ở tại các ngân hàng có uy tín và mức lãi suất cạnh tranh.
Tại sao bảo hiểm tiền gửi quan trọng? Như đã thấy ở trường hợp của SVB, bảo hiểm tiền gửi giúp chủ doanh nghiệp có thể được rút tiền ngay cả khi ngân hàng không có khả năng chi trả. Rủi ro về thanh khoản và phá sản đối với công ty khởi nghiệp vì thế cũng hạn chế được rất nhiều.
Lưu ý, bảo hiểm tiền gửi cũng có giới hạn, ví dụ như quy định của FDIC là 250.000 đô la Mỹ.
3. Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ
Mức độ uy tín hay rủi ro của từng ngân hàng cũng sẽ rất khác nhau, và có thể thay đổi rất nhanh chỉ trong 1 tháng, 1 tuần hay 1 ngày do sự biến động, biến thiên của thị trường tài chính Việt Nam và toàn cầu.
Tuy mất công sức và thời gian, người nắm giữ tiền và tài chính của công ty khởi nghiệp nên chia tiền gửi ra nhiều phần để gửi ở từ 2 ngân hàng trở lên để dự phòng cho biến cố xấu nhất.
Thậm chí, những start-up có quy mô đủ lớn hoạt động ở nhiều thị trường đã chia tài khoản của họ ở nhiều nước hay ở nhiều loại tiền tệ. Tỉ lệ phân bổ sẽ tùy theo mức độ rủi ro của từng ngân hàng, từng quốc gia hay từng loại tiền tệ.
Để làm được điều đó, các start-up một lần nữa cần sự cố vấn của một chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm.
4. Lưu ý điều khoản cho vay tại ngân hàng
Nếu ngân hàng cho vay yêu cầu công ty của bạn lưu trữ nguồn tiền chỉ tại ngân hàng ấy như một điều kiện của khoản vay, hãy thương lượng lại. Theo nguồn tin của CNBC, SVB được cho là thường đưa ra những điều kiện tương tự như vậy.
5. Quản trị dòng tiền dựa trên doanh thu từ khách hàng khi khởi nghiệp
Một số công ty khởi nghiệp đôi khi quá dựa dẫm vào nguồn tiền của quỹ đầu tư mạo hiểm và chỉ tập trung phát triển sản phẩm. Điều này khiến họ không chủ động quản trị nguồn thu cấp bách từ chính khách hàng của họ để có thể dịch chuyển nguồn tiền sang một ngân hàng khác hay xử lý cho việc xoay vòng nguồn vốn.
Vì thế, bên cạnh nguồn vốn được tài trợ bởi các nhà đầu tư, ngay khi bắt đầu có doanh thu và lợi nhuận, công ty khởi nghiệp cũng phải song song quản trị tốt nguồn tiền này.
Maya Angelou, một nhà thơ, tác giả viết hồi ký, diễn viên người Mỹ, nói: "Hoping for the best, prepared for the worst and unsurprised by anything in between". Hiểu đơn giản là "Mong cầu điều tốt nhất, sẵn sàng cho điều tệ nhất", là tinh thần mà các công ty khởi nghiệp phải luôn ghi nhớ ngay cả khi đã trở thành một doanh nghiệp thành công.
Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt làm diễn giả tại talk-show của Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023
Talk-show "Cảm hứng khởi nghiệp" dự kiến diễn ra tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4-2023, với chủ đề "Trong khủng hoảng tìm thấy cơ hội?". Ngài Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt - là một trong những diễn giả chính của chương trình. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ cho các start-up tiêu biểu cũng sẽ diễn ra ngay sau đó.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. Ban tổ chức sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, IDICo, GIBC, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Vietnam Golf..., trong đó tiếp tục có một suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn với trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH
Với bản đồ số 3D/360, mọi ngóc ngách ở bất cứ đâu cũng có thể rõ đến từng tiểu tiết chỉ với chiếc điện thoại.