Chiều 23.3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN đã tổ chức Hội thảo "Trí thức người VN ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước". Các đại biểu không chỉ phân tích những hạn chế hiện nay trong công tác thu hút trí thức người VN ở nước ngoài (gọi chung là Việt kiều) mà còn đề xuất giải pháp nhằm phát huy được vai trò trí thức Việt kiều tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Thiên về trọng đãi hơn trọng dụng
Theo ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế KH-CN (Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài), các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng; nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không còn phát huy hiệu quả. Ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính còn rườm rà, phiền nhiễu. Do đó, nhiều trí thức vẫn chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở VN, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài.
Trong thời gian tới, nên thu hút một số chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành cho các công trình/dự án trọng điểm, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao về nước tham gia các đề án, chương trình ưu tiên, đặc biệt quan trọng của quốc gia, ngành, địa phương. Cần trao quyền cho người đứng đầu (các đơn vị cần thu hút Việt kiều) chịu trách nhiệm xem xét, đặc cách lựa chọn/tuyển dụng những cá nhân thực sự có tài năng (có thể miễn, đơn giản hóa một số quy định mang tính hành chính, thủ tục). Xem xét khả năng cấp nhà công vụ, hỗ trợ các khoản phụ cấp và đãi ngộ khác như vé máy bay cho cá nhân và gia đình, trợ cấp thuê chỗ ở, phương tiện đi lại trong thời gian làm việc trong nước.
Đặc biệt, nên tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào "từ xa", gián tiếp như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến VN, thay vì phải quay về VN làm việc dài hạn.
Mời về, nhưng để làm việc gì?
Còn ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.Hà Nội, tự đặt câu hỏi "vì sao nhiều chính sách đãi ngộ tốt thế, thu hút được nhiều người thế mà chưa phát huy được vai trò của trí thức Việt kiều", rồi tự trả lời, nhưng vẫn bằng các câu hỏi: "Là bởi chúng ta chưa làm rõ được các vấn đề: khi chúng ta tuyển các chuyên gia, các nhà khoa học về thì vị trí của họ là ở đâu? Chúng ta có việc cho họ làm khi mời họ về không? Họ có được toàn quyền quyết định trong công việc mà họ được chính quyền "nhờ" đến không?".
Rồi ông Rao kể, luật Thủ đô và Nghị quyết số 14/2013 của HĐND TP.Hà Nội có quy định chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển thủ đô, đến nay thời gian thực hiện luật đã 10 năm nhưng hiệu quả của cơ chế chính sách chưa cao, chưa thu hút được nhiều người và ngay cả khi thu hút được về cũng chưa phát huy hiệu quả.
"Nội dung chính sách ưu đãi thì rất hay, hợp lý như giảm thuế thu nhập, nhà ở, mức lương, theo tôi là hấp dẫn, nhưng điểm mấu chốt là về làm gì, làm cho ai quản lý, mô hình hoạt động như thế nào thì lại chưa rõ. Mục tiêu của chương trình cũng rất hay, dựa vào tiềm năng thế mạnh của Hà Nội để xây dựng chương trình KH-CN trọng điểm làm ra những sản phẩm mũi nhọn có sức cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế; nhưng thực tế chưa chỉ ra được tên của đề án, sản phẩm, mô hình tổ chức quản lý, nhất là vị trí việc làm của chuyên gia nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học từ nước ngoài trở về làm việc", ông Rao phân tích.
Ông Rao bình luận thêm: "Nguyên nhân là chưa có lãnh đạo thành phố đứng ra phụ trách chương trình này. Ngoài ra, kết quả của chương trình là phục vụ cho nông nghiệp, công thương, giao thông, xây dựng, xử lý môi trường thì các sở này chưa tham gia với vai trò là người đặt hàng và nhận kết quả".
TS Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng, bình luận rằng không ai bác bỏ các đề xuất tham mưu của trí thức Việt kiều, nhưng làm thì lại không làm. "Có Việt kiều nói với tôi: các ông ấy nhờ tôi góp ý, tỏ ra rất cầu thị, rất lắng nghe nhưng nghe xong thì để đấy", ông Trí cho biết.
Theo ông Lê Xuân Rao, trước đây việc thu hút nhân tài được Bác Hồ vận động kêu gọi trí thức KH-CN về nước, phát huy rất thành công như kỹ sư về luyện kim Võ Quý Huân, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa. Các ông được giao nhiệm vụ luyện kim và chế tạo vũ khí với vị trí là người đứng đầu tuyển dụng, nghiên cứu và sản xuất. Kết quả là, những trang thiết bị vũ khí đã kịp thời phục vụ kháng chiến trong điều kiện rất khó khăn lúc bấy giờ.
Hay ví dụ khác là GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Văn Huyên mời về làm Bộ trưởng Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Chính vì cương vị, vị trí phù hợp nên hai bộ trưởng đã phát huy được và đưa nền giáo dục cũng như trung học chuyên nghiệp và phổ thông tiến nhanh, có nhiều thành tựu nổi bật. "Bài học ở đây là chọn được người và giao quyền, trách nhiệm thì việc triển khai mới hiệu quả", ông Rao nói.