Ông Greg Testerman - chủ tịch AmCham Việt Nam - khẳng định đây là thời điểm của "điểm đến Việt Nam" trong đón dòng vốn đầu tư từ Mỹ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Greg Testerman nói:
Điều quan trọng đối với các nhà đầu tư Mỹ là bản thân họ đã nhìn thấy sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến tiềm năng cho thương mại và đầu tư.
- Vậy chuyến đi có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Đến nay Mỹ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mối quan hệ kinh doanh sôi động giữa hai quốc gia là một trong những dòng chảy thương mại quan trọng của thế giới.
AmCham Việt Nam sẵn sàng là một nguồn lực quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư Mỹ xem xét kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi có hơn 650 công ty và 2.500 đại diện doanh nghiệp tư nhân trên khắp Việt Nam, họ tạo ra hàng tỉ USD đầu tư, có hàng nghìn nhân viên và đóng góp một phần đáng kể doanh thu xuất khẩu và thuế của Việt Nam. Các thành viên của chúng tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam.
Chúng tôi coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng hấp dẫn để tiếp tục đầu tư và thương mại của dòng vốn Mỹ.
- Đâu là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn Mỹ? Các doanh nghiệp đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay?
Việt Nam đã lèo lái thành công nền kinh tế trong đại dịch và đang phục hồi mạnh mẽ. Việt Nam có vị thế thuận lợi để phát huy những thành công đó vào năm 2023. Sản xuất và chi phí vận tải quốc tế quay trở lại mức trước COVID-19 là tín hiệu tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trong năm nay.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ phải ứng phó kịp thời trước một số thách thức của thị trường toàn cầu, bao gồm việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng thế giới và cả trong nước. Đây là thời điểm tốt để cải thiện khả năng tiếp cận và cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi Việt Nam củng cố cam kết thúc đẩy, tạo điều kiện cho các đầu tư trong mảng năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Chính phủ Việt Nam đã rất cởi mở và phản hồi tích cực đối với các đề xuất và khuyến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và hướng về các tiêu chuẩn quốc tế.
- Cụ thể hơn, trước mắt các lĩnh vực nào sẽ nhìn thấy sự sôi động và Việt Nam nên làm gì để tận dụng tốt cơ hội này?
Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) gần đây, với sự có mặt của Thủ tướng Việt Nam và một số bộ trưởng khác, AmCham đã khuyến nghị Việt Nam cần hành động để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, khai phá tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số, dịch vụ bảo vệ sức khỏe, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển.
Cùng với đó là lành mạnh các trụ cột chính cho sự phát triển, hài hòa các chính sách thuế và hải quan với các tiêu chuẩn quốc tế và tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn.
Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam vào năm 2023 để tiếp tục đạt được những mục tiêu quan trọng này.
Những kinh nghiệm chuyển đổi số thành công ở nơi khác có thể không thành công tại Việt Nam, do đó cần có vai trò của các doanh nghiệp địa phương giúp "bản địa hóa" các giải pháp của doanh nghiệp Mỹ.
Xem thêm: mth.11462145132303202-ym-ut-uad-ahn-auc-ihgn-neyuhk-cac-iov-om-ioc-ad-man-teiv/nv.ertiout