Mục tiêu chính của AI-RAN là nghiên cứu, phát triển công nghệ mới tương thích với mạng 6G và có thể thương mại hóa từ trước cả khi thế giới bước vào giai đoạn nâng cấp từ 5G. Trong quá trình trên, trí tuệ nhân tạo được trao vai trò then chốt.
Gắn chặt AI với 6G
Trong tiếng Anh, AI là viết tắt của artificial intelligence, tức trí tuệ nhân tạo, còn RAN (radio access network) chỉ mạng truy cập vô tuyến. Đứng cạnh nhau, tên gọi AI-RAN thể hiện rõ tham vọng của liên minh này khi gắn chặt AI với công nghệ mạng viễn thông mới.
Để làm điều này, AI-RAN quy tụ thành viên là các nhà mạng lớn, các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ mạng viễn thông, AI hàng đầu như Microsoft, NVIDIA, AWS (mảng điện toán đám mây của Amazon), Nokia, T-Mobile...
Mỗi thành viên trong AI-RAN sẽ tham gia ít nhất một trong ba lĩnh vực nghiên cứu sau: phát triển các ứng dụng AI vào mạng vô tuyến mới (AI on RAN), kết hợp công nghệ AI và công nghệ mạng vô tuyến nhằm quản lý tài nguyên hiệu quả và tối ưu năng lực hạ tầng (AI and RAN) và phát triển công nghệ sử dụng AI cùng học máy (maching learning) nhằm nâng dải tần, mức độ hiệu quả năng lượng và giảm giá thành của dịch vụ mạng viễn thông (AI for RAN).
Theo trang tin Medium, các dự án trên có thể góp công lớn trong việc ban hành tiêu chuẩn về 6G và thương mại hóa công nghệ này trong nhiều năm tới. Do đó, sự thành lập của AI-RAN được xem là cú hích lớn trong quá trình phát triển 6G vốn đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa thật sự tăng tốc.
Ông Charlie Zhang, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung tại Mỹ, tự tin nói về triển vọng tương lai: "Các ứng dụng mới trong kỷ nguyên 6G sẽ cách mạng hóa cách con người tương tác với công nghệ, trong đó AI sẽ là phần thiết yếu của xu thế này. Liên minh AI-RAN sẽ thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới và mở ra một thời kỳ chuyển biến xoay quanh AI và mạng 6G".
Vũ trụ ảo sẽ hoàn thiện với 6G
Cũng tại MWC 2024, người tham dự được lắng nghe các chuyên gia hàng đầu từ Samsung, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và Tập đoàn viễn thông Telefonica trao đổi về tương lai 6G.
Ông Mitch Butcher, cây viết của trang tin công nghệ TechCrunch và là khách mời dự phiên thảo luận, tường thuật: "Điều đầu tiên cầu lưu ý là 6G sẽ không đến sớm. Các dự báo cho thấy chúng ta sẽ chỉ được cầm công nghệ này trên tay vào những năm 2030.
Dù muộn, viễn cảnh của việc có một thiết bị chuyển hàng terabyte dữ liệu thẳng vào nhãn cầu đã đủ để thấy phấn chấn. Chúng ta đang nói về công nghệ mạnh mẽ gấp 100 lần 5G với độ trễ chưa đến 1 mili giây (ms)".
Ở cấp độ người dùng, mạng viễn thông thế hệ 6 có thể mang đến nhiều nâng cấp đơn giản trong đời sống. Các cải tiến về tần số hoạt động, cách thức truyền tải... có thể giải quyết vấn đề mất sóng khi đi vào thang máy.
Việc vận hành nhà thông minh, thành phố thông minh cũng dễ dàng hơn khi việc ứng dụng AI vào 6G có thể giúp công nghệ này giảm nhiều lần điện năng tiêu thụ. Nhờ đó, 6G sẽ xuất hiện trong nhiều thiết bị với nhiều công dụng hơn 5G. Một số lĩnh vực hưởng lợi tiêu biểu bao gồm công nghệ Internet vạn vật (IoT), điện toán biên (edge computing) và an ninh mạng.
Một trong những điều khiến các chuyên gia cực kỳ phấn chấn là việc 6G sẽ "chắp cánh" cho những ước mơ khoa học viễn tưởng vốn đã tồn tại nhiều thập niên bước ra đời thật. Tốc độ truyền tải nhanh và ổn định hứa hẹn nâng tầm các cuộc gọi trực tuyến qua màn hình thành cuộc gọi bằng hình ảnh 3D thực tế (holographic call).
Ngoài ra, mạng 6G nhiều khả năng cũng sẽ tháo dỡ rào cản kỹ thuật về tốc độ, tính ổn định và độ trễ của đường truyền - thứ đã ngăn cản sự phát triển của công nghệ vũ trụ ảo (metaverse) trong nhiều năm.
Theo ông Butcher, quá trình chuyển từ 5G sang 6G sẽ nhanh và đơn giản hơn từ 3G đến 4G rất nhiều. Các nhà nghiên cứu sẽ có sự giúp sức của AI, các nền móng cho việc ứng dụng 6G và đời sống về cơ bản đã hoàn thành, và các tập đoàn lớn đều rất quyết tâm trau chuốt cho công nghệ này.
5G vẫn chưa sinh lời cho nhà mạng
Theo báo Financial Times, dù đã được thương mại hóa vài năm, mạng 5G vẫn chưa thật sự mang lại chuyển biến như mong đợi. Đến nay, khoảng 2/3 người dùng Mỹ đã thử qua mạng 5G.
Tuy nhiên, số người dùng trung thành với mạng 4G vào cuối năm 2023 vẫn chiếm phần đa số.
Điều này một phần đến từ cách các nhà mạng tung ra công nghệ này. Việc nâng cấp từ 4G lên 5G diễn ra không đồng loạt và thiếu kế hoạch lâu dài, trong khi các cải tiến thì lại không vượt trội. Các tính năng ưu việt của 5G như tốc độ, lưu lượng, khả năng kết nối cũng chưa được tận dụng ở mức tối đa.
Ngoài ra, những lợi ích tối tân mà 5G mang lại như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), giao tiếp nhanh giữa các thiết bị như xe tự hành... cũng chưa được người dùng quan tâm nhiều.
Do đó, doanh thu từ 5G của các nhà mạng liên tục giảm từ sau khi đạt đỉnh hồi năm 2021 đến nay. Đây sẽ là bài học xương máu cho quá trình thương mại hóa 6G của các doanh nghiệp.
TTO - Với mạng băng thông rộng 5G vẫn đang được triển khai trên toàn thế giới, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để giành vị trí tối cao trong công nghệ 6G tiếp theo. Đây là công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến tranh trong tương lai.