Số bom đạn sau chiến tranh ở Việt Nam ước tính còn khoảng 800.000 tấn
Thông tin từ Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho hay Việt Nam là một trong những quốc gia hiện có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Ước tính số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800.000 tấn.
Diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm gần 19% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Thống kê đến năm 2023, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom mìn, vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích còn bị ô nhiễm. Trung tâm nhận định cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm.
Giai đoạn 2010-2023, lực lượng chức năng đã khảo sát, rà phá hơn 500.000ha còn có bom mìn, vật liệu nổ. Ngoài nguồn lực của Nhà nước hơn 10.000 tỉ đồng, nguồn viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài lên tới gần 2.200 tỉ đồng, tương đương khoảng 95,5 triệu USD.
Nhật Bản hỗ trợ Quảng Trị, Hà Tĩnh rà phá trên 3.200ha đất với số tiền trên 5,5 triệu USD. Hàn Quốc hỗ trợ nước ta 33 triệu USD, trong đó số viện trợ không hoàn lại 20 triệu USD, triển khai hỗ trợ Quảng Bình, Bình Định hỗ trợ sinh kế người dân, rà phá bom mìn trên 16.800ha…
Các nước như Mỹ, Na Uy, Anh, Đức, Úc cũng hỗ trợ, tài trợ nhiều dự án khắc phục bom mìn sau chiến tranh. Do hậu quả của bom mìn, cả nước còn hàng vạn người khuyết tật, bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine. Từ năm 1975 tới nay, bom mìn sau chiến tranh khiến trên 40.000 người chết, 60.000 người bị thương.
Đề xuất xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp
Bộ Quốc phòng đang đề nghị xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp, tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nghị quyết số 41/2021/QH15 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Theo Bộ Quốc phòng, hoạt động thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp đạt nhiều kết quả trong ứng phó với các tình huống sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, môi trường, nhưng hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, từ Hiến pháp, luật và văn bản dưới luật.
Bộ Quốc phòng cho biết Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" (khoản 2, điều 14).
Tuy nhiên Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 có quy định các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân nhưng lại do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Qua đó cần có luật để thống nhất các quy định này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định 220/QĐ-TTg ngày 4-3 phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Các phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; các ủy viên có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng;
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung...
Xuất khẩu hồ tiêu tăng trưởng mạnh, giá trong nước lập đỉnh gần 100.000 đồng/kg
Trong 2 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân của loại "vàng đen" này đạt mức 4.041 USD/tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân chính là hồ tiêu đen tại thị trường nội địa biến động theo xu hướng tăng và duy trì ở mức cao, trong khi sản lượng thu hoạch chưa nhiều. Giá hồ tiêu hiện lập đỉnh 96.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhu cầu hồ tiêu từ Trung Quốc tăng mạnh đẩy giá mặt hàng lên cao.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Năm vừa qua, nước ta xuất khẩu hồ tiêu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất.
Nếu như Brazil đã qua mùa thu hoạch, còn Indonesia và Malaysia chính vụ vào tháng 7 hằng năm, thì Việt Nam đang bước vào mùa thu hoạch.
Dự kiến sản lượng vụ mùa 2024 giảm khoảng 10,5% so với vụ trước, xuống còn 170.000 tấn, ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong khi nguồn cung từ các nước Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không bù đắp đủ cho lượng giảm xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đẩy giá hồ tiêu tăng nóng ngay từ đầu vụ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dự đoán giá này sẽ còn tiếp tục tăng vì sản lượng hồ tiêu toàn cầu giảm, nông dân không bán vội để chờ giá, nên giá hồ tiêu sẽ ở mức cao.
Một số tin tức đáng chú ý: Yan Can Cook thăm nhà hàng chay của cố ca sĩ Phi Nhung; Kim Tử Long đăng hình xưa, bày tỏ đam mê bóng đá; Lisa (BlackPink) khoe ảnh chụp cùng Taylor Swift ở concert Singapore.