Một nỗ lực quốc tế đã tăng tốc vào ngày 8-3 để đưa hàng cứu trợ nhân đạo tới Dải Gaza bằng đường biển.
Đây là nỗ lực mới nhất nhằm chống lại các hạn chế tiếp cận đường bộ, cũng như sau khi hàng cứu trợ bằng đường không gây chết người.
Tại cảng Larnaca của Đảo Cyprus, chủ tịch EC tuyên bố một hoạt động cứu trợ thí điểm sẽ được triển khai trong ngày 8-3. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã giúp kích hoạt hành lang cứu trợ hàng hải "bằng cách đảm bảo chuyến hàng đầu tiên" đến với người dân Gaza.
Thông báo của bà Von der Leyen được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng quân đội Mỹ sẽ thiết lập một "bến tàu tạm thời" ngoài khơi bờ biển Gaza để cung cấp viện trợ cho khu vực này hôm 7-3.
Một ngày sau đó, ông Biden nói với các phóng viên rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải cho phép viện trợ nhiều hơn.
Điều kiện khắc nghiệt kéo dài hơn 5 tháng sau cuộc chiến tại Dải Gaza giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã đe dọa đẩy người dân tại đây vào nạn đói.
Đối mặt với tình hình này, một số quốc gia đã thả thực phẩm và các hỗ trợ khác xuống Dải Gaza. Tuy nhiên, một trục trặc về dù đã khiến chiến dịch mới nhất trở nên nguy hiểm.
Ông Mohammed al-Sheikh, y tá trưởng phòng cấp cứu tại Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza, cho biết 5 người Palestine đã thiệt mạng và 10 người bị thương ở phía bắc trại tị nạn Al-Shati ven biển bởi cách viện trợ trên.
Nhân chứng Mohammed al-Ghoul nói với Hãng tin AFP rằng bản thân và anh trai đã đi theo lực lượng nhảy dù với hy vọng lấy được "một túi bột".
"Sau đó, đột nhiên chiếc dù không mở ra và rơi xuống như một quả tên lửa", al-Ghoul kể lại và cho biết kiện hàng này đã rơi xuống một ngôi nhà.
Cả quân đội Jordan và một quan chức quốc phòng Mỹ đều phủ nhận việc máy bay của họ gây ra thương vong.
Bỉ, Ai Cập, Pháp và Hà Lan cũng hợp tác trong việc thả hàng cứu trợ trên không.
Trong khi đó, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi tăng cường tiếp cận bằng đường bộ, nhấn mạnh rằng việc vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường biển đều không hiệu quả.
Tổng thống Biden thừa nhận rằng hy vọng về một thỏa thuận đình chiến mới trước tháng Ramadan, tháng ăn chay của người Hồi giáo, đang "có vẻ khó khăn". Ông cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo Israel không nên sử dụng viện trợ như một "con bài thương lượng".
Nhiều ý kiến cho rằng việc thả hàng viện trợ cho thấy dường như Mỹ đã từ bỏ nỗ lực thuyết phục Israel phối hợp cứu trợ trên bộ ở Gaza, chưa kể đây không phải là cách hiệu quả để chuyển lương thực.