Trong 2 tháng đầu năm, đã có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị gần 7.500 tỷ đồng, gấp 8,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là cách nhiều doanh nghiệp lựa chọn với những khoản vay trung và dài hạn để giảm tối đa chi phí. Đồng thời tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường trong bối cảnh hiện nay
Trong số gần 7.500 tỷ đồng, tỷ trọng cao nhất ở nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm hơn 73%, nhóm chứng khoán, ngân hàng ở vị trí thứ 2 với hơn 16%. Phần còn lại là thương mại và dịch vụ
Người mua trái phiếu có đến hơn 87% là nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khác biệt so với những năm trước bởi nhà đầu tư cá nhân đã từng có thời điểm chiếm đến ⅓.
"Kỳ hạn phát hành của các doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm đã dài hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng hơn 2 năm. Theo đó lãi suất cũng có tín hiệu đáng mừng, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đã tập chung phát hành cho các dự án chung và dài hạn", bà Vũ Thị Thúy Ngà - Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết.
Ngoài 2 đợt phát hành ra công chúng, thì còn lại đa số là các đợt phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích huy động vốn trong trung và dài hạn.
"Chúng ta nhận thấy không phải nhà đầu tư nghiệp dư tham gia vào thị trường mà chủ yếu là các tổ chức và các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi chúng ta có Luật, có các đợt phát hành của các doanh nghiệp uy tín thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia nhiều hơn", ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết cho biết.
Huy động nguồn vốn lớn với lãi suất thấp để gia tăng nguồn lực cũng là mục tiêu của ngân hàng này khi lên kế hoạch với 6 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có tổng giá trị hơn 5.600 tỷ đồng. Tất cả đều có tài sản đảm bảo và thời gian tối đa lên đến 8 năm.
"Lãi suất dự kiến đối với các đợt phát hành trái phiếu của chúng tôi sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại quầy cộng 2%/năm, tương đương khoảng 6,85%/năm", ông Nguyễn Thế Dân - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bản Việt cho biết.
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng trong nền kinh tế, ở các nước phát triển quy mô trái phiếu doanh nghiệp lên đến 97% GDP, lân cận chúng ta là Singapore là 35%GDP. Hiện Việt Nam mới chỉ khoảng 15% GDP. Để gia tăng tỷ trọng, thì gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, theo chuyên gia, cần có những quy định rõ ràng về cơ chế giám sát và báo cáo việc sử dụng vốn sau khi phát hành của các doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.74171432271304202-man-uad-gnaht-2-hnah-tahp-peihgn-hnaod-ueihp-iart-gnod-yt-0057/et-hnik/nv.vtv