30 tuổi, tôi kết hôn. Đáng ra tôi đã có một lễ cưới trước đó hai năm, nhưng tất cả phải gác lại khi mẹ phát hiện ung thư. Hành trình nằm viện dai dẳng của mẹ dừng lại, tôi xem số dư tài khoản của mình và cả mức thu nhập của công việc đang làm để quyết định cuộc hôn nhân.
Ai cũng nghĩ "cưới chạy", chỉ có tôi là không
Lúc tôi gửi thiệp cưới cho mọi người, rất nhiều câu hỏi cùng đích đến là "mẹ ốm, cưới gấp để cho mẹ vui phải không". Câu hỏi ấy tôi ậm ừ trả lời cho qua chuyện, bởi chẳng ai sống thay cho cuộc đời mình, và dù có giải thích thế nào cũng chẳng thể làm hài lòng người đặt câu hỏi vốn đã mặc định câu trả lời.
Tôi là người sống không toan tính với cảm xúc, nhưng bù lại cả đời tôi rất lý trí với cuộc sống. Khi yêu, tôi có nhiều mối tình phải dừng lại. Lý do là tôi không dành nhiều thời gian cho người mình thương. Tôi biết lỗi của mình, nhưng thời điểm đó khởi đầu cuộc lập thân, tôi dành phần lớn thời gian cho công việc.
Tôi trải qua tuổi thơ nghèo khó, những lần cha mẹ cãi nhau vì thiếu tiền, điều ấy thật sự ám ảnh. Tôi không muốn lặp lại điều ấy trong đời mình.
Vậy nên, muốn yêu ai, thương ai, việc đầu tiên phải thương bản thân mình. Nói trắng ra là phải có tiền để lo cho mình trước, rồi sau đó lo người thân yêu.
Những lần chia tay ấy, tôi rất buồn, nhưng luôn có một câu châm ngôn để động viên mình: "Thất tình không đáng sợ bằng thất nghiệp".
Có lẽ nhờ vậy mà tôi phát triển rất nhanh trong công việc, sớm trở thành nhân viên chính thức tại nơi tôi làm việc và mức thu nhập rất ổn. Những tháng trước kết hôn, tôi đã lường trước những khó khăn sẽ đón chờ mình. Câu hỏi làm sao để có nhà, tiền đâu nuôi con, có thu nhập gì tăng thêm..., tôi phải nhẩm tính và tự trả lời bằng kế hoạch cụ thể.
Tôi từng mang câu chuyện kể với một người bạn. Bạn tôi nói: "Cưới đại đi mày ơi, về rồi ổn hết". Chúng tôi cùng quan điểm sống bằng yêu thương, nhưng khác nhau về cách đối diện với hôn nhân.
Lễ cưới của tôi và của người bạn cách nhau tầm 3 tháng. Bốn năm trôi qua, tôi vẫn "liệu cơm gắp mắm", cuộc sống ổn dần qua thời gian, lục đục từ thiếu hụt không xảy ra. Còn bạn tôi, nhiều lần suýt đổ vỡ hôn nhân cũng chỉ vì tiền. Rất may, bạn có gia đình hậu thuẫn nên cũng đã ổn.
Hôn nhân là cảm xúc nhưng không phải cuộc dạo chơi
Suy cho cùng, hôn nhân không phải là cuộc dạo chơi của cảm xúc. Đó là đích đến của tình yêu. Vậy nên, hành trang cho hôn nhân bao gồm: tình yêu, công việc, tiền sinh hoạt phí, tiền mua nhà, tiền dự phòng rủi ro phát sinh trong cuộc sống hôn nhân.
Tôi đã chuẩn bị hành trang hôn nhân của mình khá chắc chắn. Nhờ vậy, sau lễ cưới và những lời chúc phúc, tôi kịp gói tất thảy những dự tính của mình và hiện thực hóa nó. Thậm chí, tôi phải chi tiết từng chi phí cơ bản để vợ mình không phải áp lực trong chi tiêu.
Đàn ông mà, sống phải có trách nhiệm. Con người là vậy, cái nhà bẩn người ta sẽ nói ngay "con vợ đó làm gì mà để nhà cửa bếp núc lung tung". Nhưng không có cái nhà, người bị nói sẽ là "thằng đó làm gì mà để vợ con khổ vậy".
Có thể nhiều người sẽ nói vậy là thiếu tôn trọng phụ nữ. Xã hội công bằng, vợ chồng cùng kiếm tiền, thậm chí nhiều người phụ nữ còn kiếm tiền giỏi hơn chồng. Vâng, điều ấy có, nhưng người vợ nào cũng cần một người đàn ông là chỗ dựa vững chắc của mình.
Vậy nên, đàn ông khi bước vào hôn nhân cần phải thật sự trách nhiệm. Kết hôn như một hành trình rất dài, nếu bạn không chuẩn bị đầy đủ hành lý cho hành trình ấy, bạn sẽ hụt hơi.
Kết hôn đi cùng tổ ấm, sinh con và những chi phí của "người lớn". Sẽ chẳng dễ dàng nếu chúng ta không sẵn sàng hành lý cho chuyến đi đời người. Hành trình hôn nhân rất dài, nên hãy khởi đầu bằng sự sẵn sàng của chính mình khi bắt đầu để không đứt đoạn vì tiền.
Cứ như đến một giai đoạn, người ta bị đẩy đến trước ngưỡng cửa hôn nhân và họ cứ thế bước vào. Đơn giản là đến lúc kết hôn rồi, không lấy người này thì lấy ai.