Ngày 20-3, cơ quan quản lý Pháp thông báo phạt Google 250 triệu euro (272 triệu USD) vì vi phạm các cam kết chi trả cho các công ty truyền thông khi sử dụng lại nội dung của các công ty này trên mạng trực tuyến, cũng như sử dụng tư liệu để đào tạo công cụ hội thoại trí tuệ nhân tạo (AI) mà không thông báo.
Trước đó, năm 2022, Google đã cam kết đàm phán chi trả công bằng với các hãng tin tức của Pháp. Theo đó, Google phải cung cấp cho các hãng tin tức một đề nghị chi trả minh bạch trong vòng 3 tháng sau khi nhận được khiếu nại về bản quyền.
Cam kết được đưa ra 1 năm sau khi hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ bị Cơ quan cạnh tranh Pháp thông báo phạt 500 triệu euro liên quan vấn đề đã gây tranh cãi từ lâu. Các tổ chức đại diện cho các tạp chí và tờ báo Pháp đã đệ đơn khiếu nại Google lên cơ quan quản lý vào năm 2019.
Tuy nhiên, ngày 20-3, nhà quản lý cho biết sẽ áp khoản phạt mới với Google vì không tuân thủ các cam kết nêu trên, không đàm phán "thiện chí" với các nhà xuất bản tin tức.
Công ty công nghệ Mỹ cũng đã sử dụng nội dung từ các cơ quan báo chí để đào tạo nền tảng AI Bard (hay còn được biết đến là Gemini) mà không thông báo cho các hãng tin tức hoặc cho cơ quan quản lý.
Ngoài ra, Google cũng không cung cấp cho các nhà xuất bản và các hãng tin giải pháp công nghệ cho phép họ phản đối việc sử dụng nội dung của mình, cản trở khả năng đàm phán chi phí của những công ty này.
Cơ quan quản lý cho biết trong quá trình dàn xếp vụ việc, Google đã đồng ý không "kiến nghị" về những kết luận nêu trên và đưa ra một loạt giải pháp để khắc phục những thiếu sót được nhà chức trách chỉ ra.
Về phần mình, Google cho rằng khoản phạt trên không phù hợp và không tính đến một cách thỏa đáng những nỗ lực mà công ty đã thực hiện để hồi đáp và giải quyết những quan ngại được nêu ra trước đó, trong bối cảnh rất khó lường trước những rắc rối phát sinh. Công ty chấp nhận dàn xếp vụ việc để khơi thông bế tắc trong giai đoạn còn chưa rõ ràng này.
Năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) đã tạo một dạng bản quyền được gọi là "quyền lân cận" cho phép các báo in yêu cầu bồi thường khi nội dung của họ bị bên khác sử dụng.
Pháp là nước đưa vào áp dụng các quy định liên quan từ sớm. Sau thời gian phản đối ban đầu, Google và Facebook đều đã nhất trí chi trả cho các hãng truyền thông Pháp khi bài báo của các hãng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của các nền tảng này.
Một số nước thành viên EU khác cũng đang thực hiện thủ tục pháp lý với Google liên quan các nội dung tin tức.
Google sẽ tóm tắt hộ các đoạn thoại cho người lái và gợi ý cách phản hồi khi họ không rảnh tay trả lời.