Nhìn người hóa quỷ
Vào một ngày mùa đông, ông Victor Sharrah (59 tuổi) nhìn thấy khuôn mặt bạn cùng phòng và bạn gái của người này biến đổi một cách kỳ lạ: đầu bẹp, tai nhọn, mắt xếch, miệng ngoác, mọc vảy.
Ông Sharrah cố gắng giải thích với bạn cùng phòng về những gì ông nhìn thấy nhưng người này lại bảo ông bị điên.
Ông Sharrah tức giận ra khỏi nhà và nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người xung quanh ông đều như vậy.
“Giống như thể (tôi) nhìn chằm chằm vào ma quỷ. Hãy tưởng tượng một buổi sáng bạn thức dậy và đột nhiên thấy mọi người trên thế giới giống như sinh vật trong phim kinh dị vậy”, ông chia sẻ với Đài CNN.
Sau này, ông Sharrah mới biết bản thân mắc hội chứng hiếm gặp mang tên prosopometamorphopsia (PMO).
Thường bị nhầm lẫn với tâm thần phân liệt, PMO khiến bệnh nhân nhìn thấy khuôn mặt người liên tục biến dạng, méo mó. Đây là một trong những bí ẩn y học khiến nhiều nhà khoa học đau đầu.
PMO khác với chứng mù mặt (prosopagnosia). Prosopagnosia chỉ khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nhận dạng khuôn mặt, kể cả người thân - trong khi PMO khiến họ nhìn thấy khuôn mặt dị dạng.
Một số người mắc PMO cho biết họ thấy khuôn mặt của những người xung quanh biến đổi thành đầu rồng, đầu cá, kính vạn hoa, mọc thêm con mắt thứ 3 ở giữa trán, mọc ra vài cánh tay nhỏ hoặc mọc ra đôi tai nhọn từ đỉnh đầu.
Bản thân người mắc PMO khi nhìn vào gương cũng thấy khuôn mặt của họ thay đổi. Một vài bệnh nhân nói khuôn mặt của họ bị “một mắt lồi ra khỏi hốc và trườn xuống má”.
Ông Brad Duchaine, giáo sư tâm lý học và não bộ tại Trường đại học Dartmouth (Mỹ), cho biết chỉ có khoảng 81 trường hợp mắc PMO tính đến tháng 6-2021. Số lượng bệnh nhân thực tế có thể nhiều hơn.
Đi tìm lời giải
Hầu hết bệnh nhân mắc PMO nhìn thấy khuôn mặt người biến dạng cả ngoài đời lẫn trong ảnh.
Trường hợp của ông Sharrah rất đặc biệt: ông vẫn nhìn thấy khuôn mặt một người như bình thường nếu khuôn mặt đó được in trên giấy hoặc màn hình máy tính.
Nhờ đó, các nhà khoa học mới có thể nghiên cứu và tạo ra một số hình ảnh 2D chính xác về “khuôn mặt quỷ” mà ông Sharrah nhìn thấy.
Tiến sĩ tâm thần Jan Dirk Blom, làm việc tại Viện tâm thần Parnassia (Hà Lan), nhận định nghiên cứu này là một "công trình tuyệt vời" vì đây là lần đầu tiên chúng ta thấy được bệnh nhân mắc PMO phải trải qua những gì.
Ông Sharrah chia sẻ tình trạng “nhìn người hóa quỷ” khiến ông khó gần gũi với mọi người hơn trước dù biết tất cả chỉ là ảo giác.
Trong khi đó, một số bệnh nhân mắc PMO từ nhỏ thường lớn lên mà không hề hay biết bản thân mắc bệnh. Họ cũng không biết khuôn mặt mọi người thật sự trông như thế nào bởi họ nhìn thấy tất cả đều méo mó.
Ông Antônio Vitor Reis Goncalves Mello, một trong những nhà nghiên cứu trường hợp của ông Sharrah, cho biết PMO phát triển sau chấn thương não, khối u, nhiễm trùng hoặc các cơn co giật.
Ông Sharrah mắc chứng rối loạn lưỡng cực (BD) từ nhỏ, mọi chuyện càng trầm trọng hơn khi ông tiếp tục vật lộn với chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD) sau khi phục vụ cho quân đội.
Để đối phó với 2 căn bệnh, ông Sharrah quyết định tham gia một nhóm hỗ trợ người có ý định tự tử trên mạng xã hội Facebook.
Mọi chuyện đạt đến đỉnh điểm khi ông Sharrah nhìn thấy những “khuôn mặt quỷ”, ông đăng tải triệu chứng của bản thân lên nhóm này để tìm kiếm sự trợ giúp. Một người phụ nữ tên Catherine Morris đã đọc được bài viết và giúp đỡ ông.
Theo Đài CNN, giáo sư Duchaine và ông Sharrah đang hợp tác cùng nhau để tìm ra biện pháp giảm thiểu hoặc đảo ngược hội chứng PMO. Nghiên cứu ban đầu cho thấy tròng kính màu xanh lá cây giúp bệnh nhân mắc PMO phần nào nhìn thấy khuôn mặt cân xứng hơn.
Khi gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ, người bệnh có thể sẽ bị khủng hoảng nặng nề tinh thần, sức khỏe. Trong đó, rối loạn giấc ngủ nguy hiểm thường gặp là 'hội chứng ngưng thở khi ngủ' mà nhiều người mắc nhưng không hay biết.