Chiều 23-3, tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hội nghị thu hút đầu tư tỉnh với mục tiêu thành trung tâm bô xít quốc gia, năng lượng tái tạo của Tây Nguyên.
Đắk Nông là trung tâm bô xít quốc gia
Ông Lê Văn Chiến - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết sau nhiều lần tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến, quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo ông, quy hoạch đã đưa ra 6 quan điểm phát triển với mục tiêu đến năm 2050, xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Tỉnh Đắk Nông sẽ là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng.
Quy hoạch cũng đề ra 3 đột phá phát triển gồm: công nghiệp khai thác bô xít - chế biến alumin - luyện nhôm và năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Với mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 là 9,05%, Đắk Nông dự kiến huy động tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên 345.000 tỉ đồng.
Sau khi công bố quy hoạch, Đắk Nông tổ chức giới thiệu 44 dự án tiềm năng thu hút đầu tư của Đắk Nông với gần 300.000 tỉ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã trao chứng nhận đầu tư 4 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng. Ngoài ra có 4 nhà đầu tư ký kết ghi nhớ hợp tác với tỉnh Đắk Nông với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8,4 tỉ USD.
Đoàn kết chung lòng, vì dân để phát triển
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Văn Mười - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết rất cám ơn sự chia sẻ của Chính phủ và các bộ ngành trung ương với sự phát triển của Đắk Nông. Cái khó nhất của tỉnh Đắk Nông hiện nay đó là vướng mắc quy hoạch bô xít.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chúc mừng Đắk Nông đã có chặng đường phát triển đầy nỗ lực.
Theo Phó thủ tướng, địa phương nào có cái khó gì thì Đắk Nông có cái khó đó. Cái khó thứ nhất là 2/3 diện tích dính vào quy hoạch rừng và quy hoạch bô xít.
Phần diện tích có thể phát triển lại giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, trong khi cực phát triển phía Nam lại gặp khó khăn do vướng quy hoạch.
Cũng theo Phó thủ tướng, với nhiều tiềm năng thì Đắk Nông có nhiều điểm sáng phát triển nhưng tỉ lệ người nghèo lớn lớn sẽ là một khó khăn. Không chỉ vậy, trong đó 2/3 số người nghèo lại là người dân tộc thiểu số, khiến khó khăn lớn hơn do trình độ nhận thức, phát triển chậm hơn.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng địa phương có nhiều cơ hội, tiềm năng. Đắk Nông cũng là địa phương nằm ở cửa ngõ với Đông Nam Bộ với Tây Nguyên là một cơ hội kết nối rất lớn cho Đắk Nông. Tỉnh cần phát triển du lịch độc đáo, riêng có của mới tăng sức cạnh tranh. Nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi đúng và nên kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch.
Về quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời gian đến, Phó thủ tướng Trần lưu Quang tặng Đắk Nông 8 chữ: tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu. Theo Phó thủ tướng, giá trị cao nhất của quy hoạch là định hướng, nếu không tuân thủ sẽ chệch hướng.
"Nếu không kịp gỡ vướng quy hoạch bô xít thì tới đây Nhà máy alumin Nhân Cơ có nguy cơ bị đóng cửa, chúng ta mắc nợ với người dân", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười thẳng thắn khi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.