Hôm 23-3, Tổng cục Thuế phát đi cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế để lừa đảo lấy trộm tiền trong tài khoản.
Tổng cục Thuế cho biết các đối tượng giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng trên, Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành thuế nào thu thuế hộ. Trường hợp người nộp thuế nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Ngành thuế đang tiếp tục phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng để quyết liệt đấu tranh, phát hiện và xử lý các đối tượng phạm tội này.
Nhằm giúp người nộp thuế phòng tránh với vấn nạn lừa đảo trực tuyến, đặc biệt trong thời điểm quyết toán thuế, Tổng cục Thuế khuyến cáo người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn.
Khi nhận các cuộc điện thoại nghi ngờ là giả mạo, người nộp thuế cần bình tĩnh, không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, email, không làm theo hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, đường link giả mạo. Người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.
5 thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường áp dụng
1. Các đối tượng dùng số điện thoại và xưng là cán bộ của cục thuế, chi cục thuế yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân để được hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế và phục vụ công tác kiểm tra cũng như các cuộc gọi hướng dẫn cài đặt ứng dụng để nhận thông tin từ cơ quan thuế.
2. Kẻ gian giả mạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh đến nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp.
3. Thủ đoạn giả mạo tin nhắn (SMS) brand name của Tổng cục Thuế để phát tán tin nhắn giả.
4. Giả mạo cơ quan thuế để gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế.
5. Giả mạo cơ quan chức năng hỗ trợ dịch vụ công và yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân, sau đó đối tượng gửi các đường link và hướng dẫn giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện hành vi lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.
Ngày 10-3, Công an thành phố Hà Nội cho biết phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo nợ cước nhằm chiếm đoạt tài sản không còn mới.