Được quy hoạch từ cách đây 13 năm nhưng đến nay các hộ dân thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân vẫn chưa biết bao giờ được giải tỏa, dời đi.
Hạ tầng xuống cấp, dân ngóng di dời
Từ cầu Cẩm Lệ nhìn xuống khu vực này, nhiều du khách không khỏi bất ngờ khi ven sông Cẩm Lệ lại còn một khu dân cư xuống cấp "lạc" giữa vùng đô thị mới hiện đại.
Ông Trần Văn Em, người dân tổ 89 cho biết theo thống kê có 81 hộ dân ở đây.
Tuy nhiên hiện nay một số người dân địa phương có nhà cửa xuống cấp đã dời đi thuê trọ ở vùng cao ráo vì không chịu được cảnh nhà cửa xuống cấp, cảnh quan ẩm thấp.
Cả chục năm nay dính quy hoạch nên nhà cửa khu này không được sửa chữa, xây mới nên có thể sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó các vùng xung quanh đã được san lấp thành khu đô thị mới cao hơn biến nơi này thành vùng trũng ngập nước.
"Nhà cửa xập xệ, nhếch nhác nên đến nay nhiều nhà có con lớn cũng chưa thể tổ chức cưới hỏi" – ông Em nói.
Nhà ông Em và các hộ dân xung quanh cũng thường xuyên bị ngập nước do ở ven sông.
Tuy nhiên điều đáng lo nhất là việc nhà cửa, đường xá và hệ thống dây điện hơn 13 năm qua không được đầu tư làm mới nên xuống cấp trầm trọng.
Các hộ dân đều bày tỏ mong muốn chính quyền sớm có quyết định đối với khu vực này để người dân an tâm sinh sống.
"Cả người dân và chính quyền địa phương đều mệt mỏi mong muốn sớm có phương án với khu vực quy hoạch treo này. Nếu đi thì đi sớm, còn ở lại thì công bố phương án để người dân làm nhà, nhà nước đầu tư lại đường xá cho dân" – người dân ở đây nói.
Giữ làm quỹ đất công nhưng…chưa giải tỏa
Khu vực tổ 89, phường Hòa Xuân có 81 hộ dân đã được kiểm đếm cách đây hơn 10 năm. Đây là khu vực từng bùng phát việc chia lô tách thửa lúc mới có thông tin triển khai dự án.
Dù có 81 hộ dân sinh sống nhưng có đến 362 hồ sơ đất. Đà Nẵng khái toán kinh phí giải tỏa đền bù khoảng 375 tỷ đồng và bố trí hơn 300 lô đất tái định cư.
Trả lời phóng viên, ông Lê Quang Nam, phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố sẽ không phá vỡ quy hoạch đối với khu E - Hòa Xuân (tức khu vực các hộ dân thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân).
Theo ông Nam, khu E - Hòa Xuân sẽ vẫn là đất công cộng, công viên cây xanh, dự trữ ven sông, hành lang thoát lũ.
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết trong thời gian chờ đề xuất dự án để xem xét phê duyệt thì UBND quận Cẩm Lệ có trách nhiệm tăng cường giám sát, ngăn chặn xây dựng trái phép và các hoạt động bất hợp pháp khác.
"Có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đề xuất làm dự án khu đô thị, thậm chí khu thể thao ở đó. Tuy nhiên, Đà Nẵng giữ quan điểm không phá vỡ quy hoạch, để lại khu đất này phục vụ lợi ích công cộng. Đây là quan điểm không thể thay đổi được", ông Nam nói.
Cũng vì quy hoạch là quỹ đất công nên theo ông Nam để thực hiện dự án tại đây Đà Nẵng phải bỏ ngân sách nhà nước ra đầu tư. Vì thế, việc đầu tư dự án tại Khu E - Hòa Xuân cần có nguồn lực và thời gian thực hiện.
Và như vậy 81 hộ dân đã bị quy hoạch treo hơn 1 thập kỷ lại tiếp tục…chờ.
Vì đất nằm trong quyết định thu hồi để làm đường giao thông từ năm 1998 nên chính quyền TP Vũng Tàu không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.