vĐồng tin tức tài chính 365

Tranh cãi có nên cho dầu mỡ vào đồ ăn của trẻ

2024-03-25 10:52
Lượng dầu mỡ khuyến cáo ở mỗi trẻ thường từ 5-10 ml cho mỗi bữa ăn - Ảnh: Đ.N.

Lượng dầu mỡ khuyến cáo ở mỗi trẻ thường từ 5-10 ml cho mỗi bữa ăn - Ảnh: Đ.N.

Nhiều ý kiến cho rằng dầu mỡ là chất béo rất quan trọng cho trẻ nên cần bổ sung vào bữa ăn. Một số khác lại cho rằng việc thêm dầu mỡ vào đồ ăn giặm cho trẻ không phù hợp và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Sợ cho dầu mỡ khiến trẻ biếng ăn?

Anh Hải Vũ (tỉnh Quảng Trị) cho biết vợ chồng anh khá hoang mang khi làm theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng ở địa phương bổ sung dầu mỡ vào cháo cho con từ khi 6 tháng tuổi. Đến nay con hơn 1 tuổi, lại nghe nhiều ý kiến cho rằng thông tin đó là sai lầm.

"Tôi không biết mình có đang nuôi con khoa học hay không. Có chuyên gia cho rằng khuyến cáo bổ sung dầu mỡ vào đồ ăn giặm cho trẻ được WHO dùng chung cho toàn thế giới, trong đó có rất nhiều trẻ suy dinh dưỡng nặng của các nước kém phát triển ở châu Phi. 

Vì vậy, các nước phát triển và đang phát triển như Việt Nam nếu áp dụng là không phù hợp, lâu dài tạo gánh nặng lên hệ tiêu hóa và khiến con khó tiêu, biếng ăn", anh Vũ lo lắng.

Chị Thanh Nhường (TP Đà Nẵng) có con nhỏ 6 tháng tuổi lo lắng cho biết chị thử lướt Tik Tok rồi tìm kiếm trên các diễn đàn mẹ bỉm sữa ở Facebook, tranh luận nên hay không nên thêm dầu mỡ vào đồ ăn của con vẫn chưa đến hồi kết thúc.

"Có bác sĩ khuyên nên bổ sung dầu mỡ theo định lượng phù hợp từ khi trẻ bắt đầu ăn giặm. Có ý kiến bác sĩ và chuyên gia ăn giặm khác lại cho rằng đó là điều sai lầm vì trong thịt, cá, sữa... đã đủ lượng chất béo mà trẻ cần. Càng tìm hiểu, tôi càng bị rối hơn, việc nuôi con vì thế mà thêm áp lực", chị Nhường chia sẻ.

Nhiều cha mẹ có con nhỏ cũng chung lo lắng trước hai luồng ý kiến trái ngược. Càng tìm hiểu thêm qua mạng xã hội, họ càng thêm hoang mang.

Trẻ em Việt Nam cần bổ sung chất béo

Theo ThS Hoàng Thị Ái Nhi, phó trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, có hai góc nhìn từ lý thuyết đến thực tế trong vấn đề này. Về lý thuyết chung, chất béo có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ em.

Chất béo tham gia vào cấu trúc của cơ thể, quan trọng nhất là sự phát triển cơ quan não bộ ở trẻ em. Chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể, 1g chất béo cung cấp 9 kcal trong khi 1g chất bột đường, 1g chất đạm chỉ cung cấp 4 kcal.

Chất béo là dung môi hòa tan vitamin A, D, E, K, trong đó vitamin D rất quan trọng trong việc hấp thu canxi. Do vậy, nếu trẻ nhận được lượng chất béo thấp sẽ dẫn đến những tình trạng như chậm tăng cân, chậm tăng trưởng chiều cao, còi xương, khó ngủ hay suy giảm miễn dịch. Do vậy, chế độ dinh dưỡng mỗi ngày đòi hỏi bổ sung đủ lượng chất béo theo nhu cầu của trẻ.

Trẻ càng nhỏ thì nhu cầu chất béo càng cao, ở trẻ sơ sinh chất béo chiếm trung bình 50% tổng nhu cầu năng lượng, trẻ dưới 2 tuổi cần khoảng 30-40% và trẻ trên 2 tuổi trung bình chất béo chiếm 30-35%. Ở người lớn, nhu cầu chất béo thấp hơn trẻ em ở khoảng 20-25% và cần hạn chế các chất béo bão hòa gây nên các bệnh tim mạch, huyết áp.

Bác sĩ Ái Nhi cho biết chất béo ở trẻ em có nhiều ở dầu, mỡ, bơ thực vật, các loại thịt cá, các loại hạt... Thực phẩm và cách chế biến sẽ khác nhau ở nhiều vùng miền và quốc gia trên thế giới.

Nếu như ở phương Tây, bên cạnh dầu mỡ, nguồn chất béo trong thực phẩm thường lấy từ các loại bơ, kem béo hay từ phô mai, thì những nguyên liệu này ít được sử dụng trong ẩm thực Việt Nam với các món chiên, xào, hấp luộc là chủ yếu. Do đó, nếu món ăn chứa các nguyên liệu có tổng lượng chất béo cung cấp đủ cho trẻ em theo độ tuổi thì quan điểm không cần thêm dầu mỡ có thể giải thích được.

Tuy nhiên, với thực đơn mà trẻ em Việt Nam thường ăn mỗi ngày thì hàm lượng chất béo chưa đủ nhu cầu của trẻ, do vậy việc bổ sung dầu mỡ là phương án nên làm để đảm bảo đầy đủ nguồn chất béo cho trẻ.

Đa số trẻ có chế độ ăn nghèo nàn dầu mỡ

Bác sĩ Ái Nhi thông tin, trên thực tế tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, khi thăm khám các trẻ, đa số trẻ có chế độ ăn nghèo nàn dầu mỡ, ít ăn các món có hàm lượng béo cao, đa phần sẽ gây chậm lớn, còi xương kèm những triệu chứng liên quan như trằn trọc, khó ngủ, khóc đêm...

"Nhiều bố mẹ chỉ bổ sung dầu mỡ ở những tháng đầu mới ăn giặm hoặc có bổ sung nhưng lượng quá ít. Ở nhóm trẻ lớn hơn khi đã ngồi vào bàn ăn chung các món ăn cùng gia đình, lượng chất béo thường bị chi phối theo thói quen ăn uống của gia đình đó. Nếu gia đình ít sử dụng chất béo, các món hấp luộc là chủ đạo, trẻ thường có xu hướng chậm hấp thụ, chậm tăng cân nặng và chiều cao", bác sĩ Ái Nhi nói.

Bệnh viện tư vấn cha mẹ bổ sung thêm nguồn chất béo cho trẻ là điều đã và đang làm, rất nhiều trẻ phục hồi dinh dưỡng sau khi điều chỉnh tăng lượng chất béo vào khẩu phần ăn của trẻ.

Bác sĩ cho hay lượng dầu mỡ khuyến cáo ở mỗi trẻ thường từ 5 -10ml cho mỗi bữa ăn, bao gồm cả dầu thực vật và mỡ động vật, và nên duy trì lâu dài cho đến khi trẻ lớn. Việc lạm dụng quá mức chất béo có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và các biến chứng về tim mạch ở cả trẻ em và người lớn.

Bữa ăn đủ các nhóm chất

Theo bác sĩ Ái Nhi, bên cạnh chất béo, cần đảm bảo mỗi bữa ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo và rau củ quả cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp trẻ có thể tăng trưởng và phát triển tối ưu.

ThS Huỳnh Ngọc Khôi Cát (phó khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng):

Không để bữa ăn của trẻ thiếu dầu mỡ

Việc bổ sung dầu mỡ vào chế độ ăn của trẻ, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi, là rất cần thiết. Nếu thiếu chất béo, sẽ không có môi trường để trung hòa, tích lũy các vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K) dẫn đến thiếu vitamin. Trẻ thiếu chất béo sẽ chậm tăng cân.

Thiếu dầu mỡ sẽ thiếu hụt các axit béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, phải bổ sung từ chế độ ăn. Bên cạnh đó, trẻ em những năm đầu đời đang trong thời gian phát triển trí não, chất béo rất cần trong phát triển trí não, nếu thiếu chất béo sẽ không thể phát triển trí não một cách hoàn chỉnh.

Dầu ăn hay mỡ động vật là lựa chọn Dầu ăn hay mỡ động vật là lựa chọn 'vàng' cho trẻ dưới 3 tuổi?

Chất béo có chủ yếu ở 2 nguồn chính là mỡ động vật và dầu thực vật. Chúng ta nên kết hợp cả hai khi chế biến thức ăn cho trẻ.

Xem thêm: mth.28210411052304202-ert-auc-na-od-oav-om-uad-ohc-nen-oc-iac-hnart/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tranh cãi có nên cho dầu mỡ vào đồ ăn của trẻ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools