Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình trong đó có liên quan đến việc quản lý các OTT TV. Sáng 13/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp OTT, các cơ quan báo chí để phổ biến cụ thể các điểm mới, các quy định mới của nghị định này.
Quy định mới được phổ biến tới mọi doanh nghiệp
Cụ thể: Theo Nghị định 71 mới được ban hành, các nền tảng OTT dù là trong nước hay xuyên biên giới, dù là website hay ứng dụng di động đều phải tuân thủ chung các quy định. Thứ nhất là phải đăng ký cấp phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính tại Việt Nam. Thứ hai là nội dung phải được kiểm duyệt bao gồm cả các nội dung quảng cáo tương tự như các dịch vụ truyền hình trả tiền. Khung khổ pháp lý mới hiện tại là cơ sở để kiến tạo một cuộc đua bình đẳng hơn.
Bà Hoàng Thị Bích Hà, Phó Giám đốc Công ty Truyền hình MyTV, cho biết: "Với Nghị định 71, các doanh nghiệp xuyên biên giới và doanh nghiệp tại Việt Nam đều được cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh bình đẳng, tất cả đều có nghĩa vụ với pháp luật, với thuế của Ngân sách Nhà nước".
Ông Hán Việt Linh, Phó Chánh Văn phòng, Tổng Công Ty Truyền hình Cáp Việt Nam, nhận định: "Điểm mới của Nghị định 71 là một số lĩnh vực như thể thao, giải trí thì các doanh nghiệp sẽ được tự chủ động để biên tập, biên dịch cung cấp VOD trên dịch vụ của mình. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ trả tiền trong nước để có những sự cạnh tranh đối với doanh nghiệp cung cấp OTT xuyên biên giới".
Nghị định 71: Mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật
Tại cuộc trao đổi, nhiều doanh nghiệp như Netflix, IQIYI… cũng đã cử luật sư tới dự để nắm bắt thông tin. Các chuyên gia đánh giá, việc Bộ Thông tin truyền thông gặp mặt các doanh nghiệp lần này đảm bảo việc các quy định mới được phổ biến đầy đủ tới cả doanh nghiệp nội và cả các doanh nghiệp nước ngoài. Cuộc gặp cũng khẳng định rõ về việc Việt Nam tạo một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng với mọi doanh nghiệp.
Trong khi 22 doanh nghiệp trong nước về cơ bản đều đã có giấy phép kinh doanh hợp lệ và chấp hành cơ bản các nội dung nêu tại Nghị định 71 thì nhiều nền tảng ngoại vẫn chưa thực hiện.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Từ phía Luật Điện ảnh có những văn bản và Nghị định 71 đều nhắm đến một việc: Tất cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đều cảm thấy thủ tục hành chính được giảm thiểu, điều kiện cung cấp dịch vụ tuân thủ pháp luật giống nhau, người tiêu dùng vừa có sự lựa chọn trên dịch vụ hợp pháp, tăng thêm nhận thức để vừa giám sát cùng Nhà nước, xã hội theo quy định pháp luật để chúng ta được hưởng thụ những sản phẩm văn hóa truyền hình và những sản phẩm khác trên không gian mạng một cách đảm bảo an toàn và với mức giá hợp lý".
Bộ Thông tin và truyền thông cũng cho biết, các doanh nghiệp sẽ còn thời hạn từ nay đến 01/2023 để hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được quản lý và bảo vệ quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp OTT Việt Nam năm 2021 so với năm 2020 là khoảng 300% lên hơn 700 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu đã đạt gần tương đương với năm 2021.
Chiến lược nào cho OTT nội?
Với việc Nghị định 71 chính thức được ban hành, nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng các chiến lược nội dung mới sẽ giúp họ có thể giành được thêm ưu thế trên sân nhà.
Sau 3 năm ra mắt, nền tảng OTT này đã được cài đặt trên 30 triệu thiết bị di động của người Việt. Các chương trình như Rap Việt hay các bộ phim dài tập như: Gạo nếp, gạo tẻ; Cây táo nở hoa… thu hút hàng tỷ lượt xem. Để đạt được thành công này doanh nghiệp đã tập trung vào một mục tiêu để cạnh tranh đó là Việt hóa nội dung các chương trình.
Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VieON, cho biết: "Nếu chúng tôi tiếp tục mua những nội dung ở nước ngoài thì khó cạnh tranh được với các ông lớn ở nước ngoài vì họ có sự đầu tư khá lớn. Chính vì vậy chúng tôi tập trung vào xây dựng nội dung giá trị Việt, thuần Việt, giá trị Việt và mang đến cho khán giả Việt Nam, những sản phẩm thuần Việt, đúng bản sắc dân tộc Việt hơn".
Là nền tảng với thế mạnh là thể thao, đặc biệt là các giải thế thao quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, K+ đã phát triển thêm nhiều nội dung liên quan đến phim Việt Nam. Và từ đây, lượng khán giả của doanh nghiệp cũng tăng cao hơn trước.
Ông Thomas Jayet, Tổng Giám đốc Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh K+, chia sẻ: "Năm ngoái chúng tôi có chiến lược phát triển phim Việt Việt Nam rất yêu thích phim Việt rất do người Việt sản xuất, cụ thể năm ngoái chúng tôi trình chiều hai bộ phim truyền hình thì thấy nội dung phim được yêu thích số lượng view tăng từ 8-10 lần".
Ông Lê Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, nhận định: "Việc phát triển các nội dung thuần Việt là một lợi thế lớn cho Việt Nam. Thay vì chúng ta bỏ hàng triệu đô để làm phim bom tấn thì hãy tập trung cho thế mạnh này".
Cũng theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền, Nghị định 71 tạo ra một sân chơi công bằng sẽ giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đầu tư vào các gói nội dung mới, các nội dung bản địa thuần Việt và nâng cao được sức cạnh tranh.
Phần lớn các doanh nghiệp sau Nghị định 71 đều bày tỏ sự tin tưởng vào việc quản lý, điều hành của thị trường OTT trong thời gian tới. Các doanh nghiệp nội và nền tảng xuyên biên giới có chung một mặt bằng cạnh tranh và kỳ vọng sẽ mang lại những sản phẩm nội dung chất lượng cao hơn và nhiều lợi ích mới cho người dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21761106041012202-taul-pahp-court-gnad-hnib-ued-peihgn-hnaod-iom-17-hnid-ihgn/et-hnik/nv.vtv