Việc ngân hàng trung ương Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm có thể mở ra một kỷ nguyên biến động mới đối với đồng Yên. Sức hấp dẫn của đồng Yên cũng có thể bị giảm sút trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và chính phủ nước ngoài, những người đang tìm kiếm một phương tiện đáng tin cậy để vay lãi suất thấp.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã chấm dứt một thập kỷ chính sách tiền tệ siêu lỏng và 8 năm lãi suất âm. Lãi suất chính thức đã được nâng lên khoảng 0-0,1%.
Nhưng việc Nhật Bản tăng lãi suất sau 17 năm đang diễn ra trong thời điểm các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đang cân nhắc việc cắt giảm lãi suất. Điều này có khả năng thay đổi cơ bản vai trò của đồng Yên trên thị trường tài chính.
Kể từ thập niên 1990, đồng tiền Nhật Bản đã giữ vị trí độc nhất trên thị trường ngoại hối. Giai đoạn này, Nhật Bản giữ lãi suất ở mức thấp hoặc lãi suất âm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngăn giảm phát. Điều này đã giúp đồng Yên ổn định trong suốt 35 năm qua.
Derek Halpenny, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Mitsubishi UFJ Financial Group, cho biết: “Đây sẽ được coi là một bước ngoặt lịch sử. BOJ bây giờ sẽ phụ thuộc vào dữ liệu. Về lý thuyết, điều đó khiến đồng Yên trở nên biến động hơn… Sự biến động và dự đoán về việc tăng thêm lãi suất trong tương lai khiến đồng Yên trở nên kém hấp dẫn hơn”.
Sự ổn định của đồng Yên khiến nó trở thành loại tiền tệ được các nhà đầu tư chọn để thực hiện giao dịch. Theo đó, nhà đầu tư vay bằng loại tiền có lợi suất thấp để tài trợ cho các khoản đầu tư vào tiền tệ hoặc tài sản có lợi suất cao hơn. Đây cũng là lựa chọn ưa thích của các chính phủ và công ty trong thời kỳ khủng hoảng, thể hiện qua “trái phiếu Samurai” bằng đồng Yên trên thị trường Nhật Bản.
Cố vấn vĩ mô Mark Farrington tại Farrington Consulting cho biết: “Điều khác biệt sau cuộc họp này là đồng Yên hiện có tiềm năng tăng giá”.
Sự thay đổi này cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, công ty và chính phủ. Vì họ không còn dựa được vào sự ổn định của đồng Yên để thực hiện các giao dịch cũng như chuyển sang sử dụng nó trong thời kỳ kinh tế bất ổn.
Jane Foley, người đứng đầu chiến lược FX tại Rabobank cho biết: “Đây không phải là hiện tượng sẽ xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng mức độ phổ biến của đồng Yên đối với các nhà đầu tư và người đi vay sẽ giảm”.
Chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng của BOJ được áp dụng để kích thích hoạt động kinh tế và giải quyết tình trạng giảm phát. Nhưng điều đó đã đẩy đồng Yên xuống mức thấp nhất trong 35 năm so với đồng USD trong thời gian gần đây, khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để chống lại lạm phát leo thang. Sau quyết định tăng lãi suất của BOJ, đồng Yên chạm mức 151,55 Yên đổi 1 USD, mức tỷ giá yếu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Dù vậy, các nhà phân tích cho biết khoảng cách lớn về lãi suất giữa hai nước vẫn khiến đồng Yên trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt khi BOJ phát tín hiệu sẽ không tăng thêm lãi suất trong tương lai gần. Điều đó khiến cho xu hướng ngắn hạn của tỷ giá đồng Yên so với đồng USD phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách của FED chứ không phải BOJ.
Jonathan Peterson, chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics, cho biết: “Đồng Yên sẽ khó có thể tăng bền vững nếu không có hành động của FED”.
Shusuke Yamada, người đứng đầu chiến lược FX Nhật Bản tại Bank of America, lập luận rằng các công ty và nhà đầu tư vẫn sẽ tận dụng lợi thế của giao dịch chênh lệch đồng Yên trong thời điểm hiện tại.
Yamada cho biết, các công ty Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục sử dụng nguồn vốn rẻ bằng đồng Yên để mở rộng ra nước ngoài. Còn các nhà đầu tư Nhật Bản có thể sẽ tiến hành bán đồng Yên để mua chứng khoán Mỹ.
Tác động lớn nhất từ quyết định lịch sử của BOJ có thể được cảm nhận qua các chính phủ đã phát hành trái phiếu bằng đồng Yên.
Kể từ năm 2022, làn sóng các quốc gia châu Phi mắc nợ nhiều bao gồm Kenya và Ai Cập đã phát hành trái phiếu Samurai. Lãi suất cao và gánh nặng nợ gia tăng về cơ bản đã khiến họ không thể tiếp cận các thị trường vốn khác trong hai năm qua.
Nhà phân tích kinh tế cấp cao Elvira Mami tại tổ chức tư vấn ODI, cho biết: “Phần lớn khoản vay đều có lãi suất cố định, vì vậy (quyết định của BOJ) khó có thể ảnh hưởng đến hầu hết những người đi vay hiện tại. Nhưng nếu quyết định của BOJ làm cho đồng Yên tăng giá, một số nước (đang phát triển) sẽ phải trả nợ nhiều hơn”.
Theo FT
Xem thêm: nhc.981535041523042881-ma-taus-ial-tud-mahc-job-ihk-uas-neib-oc-es-ney-gnod/nv.fefac