Tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục trễ hẹn về đích, do nhiều nguyên nhân - như Báo Người Lao Động đã phản ánh trong các số báo ra ngày 24 và 25-2. Tiếp nối đề tài, phóng viên phỏng vấn GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, về xử lý trách nhiệm trong việc chậm thực hiện cổ phần hóa (CPH) thời gian qua.
Sợ bị quy trách nhiệm
Phóng viên: Ông có thể đánh giá tổng quan về công tác CPH DNNN thời gian qua?
- Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG: Thời gian qua, quá trình CPH đã đạt được một số kết quả tích cực, song so với yêu cầu kế hoạch đặt ra thì tiến độ còn chậm. Đến nay, còn 91 DN chưa CPH theo danh mục phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Đối với 91 DN không hoàn thành kế hoạch, trước hết chúng ta phải xét lại một vấn đề khách quan là kế hoạch phê duyệt đã phù hợp hay chưa. Nguyên nhân khiến việc CPH không đạt tiến độ thì Bộ Tài chính đã nhiều lần đề cập. Tôi cho rằng với 91 DN này, cần có sự xem xét tổng thể để xử lý dứt điểm, phân loại DN đẩy nhanh tiến độ, không thể giữ mãi tình trạng "vô can" dù chậm tiến độ như hiện nay, phải quy được trách nhiệm.
Nhóm 91 DN chậm CPH này phải phân loại như thế nào, thưa ông?
- Cần phân ra hai nhóm. Thứ nhất là những DN có vấn đề nội tại phức tạp, khó giải quyết như tình trạng thua lỗ, công nợ, tình hình tài chính phức tạp, hồ sơ không đầy đủ để định giá tài sản, xác định giá trị DN.
Thứ hai là những DN không vướng mắc ở nội tại, mà gặp vấn đề về việc định giá tài sản như thế nào, định giá giá trị DN ra sao cho đúng quy định và các vướng mắc khác về thủ tục, quy trình. Nhiều DN ngại CPH vì chưa định giá được tài sản, ngại định giá DN vì sợ sai, thiếu hoặc thấp. Người đứng đầu DN e ngại đến lúc nào đó sẽ bị quy trách nhiệm trong quá trình định giá vì làm thất thoát tài sản, đặc biệt trong vấn đề đất đai.
VNPT là một trong những doanh nghiệp chưa thể hoàn thành cổ phần hóa Ảnh: MINH CHIẾN
Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, không ai mong muốn làm nhanh CPH, bởi nền kinh tế chưa phục hồi tốt do dịch Covid-19, xác định giá trị DN còn khó khăn. Ngoài ra, nếu làm không cẩn trọng có thể mắc sai lầm; nếu có ý đồ không trong sáng thì rất dễ bị truy cứu trách nhiệm. Thà rằng cứ để như vậy thì họ vẫn là người quản lý DNNN, được hưởng các lợi ích nên không mặn mà việc CPH.
Không thể nói "vướng cơ chế"
Với sự phân loại như trên, mỗi nhóm DN sẽ có các phương án xử lý khác nhau để đẩy nhanh tiến độ CPH?
- Đối với nhóm DN thứ nhất thì phải quy trách nhiệm, xử lý ngay những người đứng đầu. Nếu chưa xử lý được về mặt hành chính hoặc hình sự thì trước mắt cần thay thế ngay nhân sự. Tôi cho rằng việc cần thiết là phải xử lý dứt điểm vì càng để lâu càng làm mất mát tài sản, thiệt hại cơ hội kinh doanh của DN.
Đối với nhóm thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh rằng DN nói vướng thì phải chỉ được vướng ở đâu, nơi nào xử lý, từ đó có kiến nghị để được giải quyết. Ví dụ, nếu vướng về đất đai thì phải chỉ rõ là vướng về xác định giá trị, về quy hoạch hay về nguồn gốc đất đai để tìm đúng cơ quan giải quyết. Trong trường hợp nếu vướng về đất đai, cần đề nghị cơ quan tài nguyên - môi trường giải quyết. Nếu không giải quyết thì khi đó họ phải chịu trách nhiệm.
Về vấn sắp xếp, xử lý đất đai, cần hết sức lưu ý để không xảy ra tình trạng nhà đầu tư tham gia CPH chỉ nhằm thâu tóm đất "vàng". Theo tôi, cần có điều kiện đi kèm khi phê duyệt kế hoạch CPH, không thể nói chung là DN này thuộc diện CPH mà phải phê duyệt rõ, sau khi CPH xong thì đất đai, tài sản DN sẽ có sự thay đổi mục đích sử dụng ra sao.
"Vướng cơ chế" là lý do mà nhiều cơ quan, đơn vị thường đưa ra mỗi khi bị chất vấn?
- Tôi nhấn mạnh rằng không thể nói chung chung là "vướng cơ chế", vậy cơ chế là ai, không có người chịu trách nhiệm giải quyết hay sao? Một việc không hoàn thành, vướng mắc thì ắt phải có cơ quan nào đó chịu trách nhiệm, không thể nói là do vướng cơ chế được. Chúng ta phải phân định rõ vướng mắc là do nội tại DN, do cơ quan chủ quản, bộ - ngành hay địa phương nào, từ đó chỉ rõ địa chỉ chịu trách nhiệm.
Chậm CPH là vấn đề tồn tại lâu nay, nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm, như ông nói ở trên là "vô can"?
- Kế hoạch, danh mục DN CPH đã được Thủ tướng phê duyệt, các DN phải thực hiện và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Vậy, khi DN không hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm thì người đứng đầu DNNN phải bị xử lý trách nhiệm, thậm chí là thay thế ngay.
Còn chế tài không phải không có bởi Luật Cán bộ, công chức đã quy định nếu 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ thì cho thôi việc. Chỉ có điều khi người đứng đầu không thực hiện đúng tiến độ CPH thì phải coi đó là không hoàn thành nhiệm vụ. Cần quy trách nhiệm rõ ràng, không có chuyện vướng rồi đẩy lên trên để thoái thác.
Cần minh bạch, bình đẳng
GS-TS Hoàng Văn Cường cho rằng CPH là quá trình chuyển tài sản từ công sang tư, muốn công sang tư không bị thất thoát thì phải thực hiện cơ chế thị trường. Muốn có cơ chế thị trường thì phải công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, được cung cấp thông tin đầy đủ. Nếu làm đủ như vậy, để cho tất cả lực lượng trên thị trường tham gia vào, cạnh tranh với nhau, có đầy đủ thông tin để tìm hiểu về DN thì sẽ không còn chuyện tài sản bị thất thoát, không còn tình trạng vướng mắc thủ tục. Do đó, cần coi trọng hơn yếu tố sử dụng các công cụ thị trường vào CPH trong thời gian tới.
Xem thêm: mth.46455932282201202-aoh-nahp-oc-mahc-iv-nod-uad-gnud-iougn-yl-ux-nac/us-ioht/nv.moc.dln