Trong chiều ngày 2.3, chỉ mới đầu giờ chiều mà hệ thống giao dịch của HoSE lại rơi vào tình trạng nghẽn lệnh khiến các nhà đầu tư bức xúc.
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, từ đầu giờ chiều, tình trạng nghẽn lệnh lại tiếp tục xảy ra. Trên nhiều diễn đàn đầu tư chứng khoán các nhà đầu tư cho biết chỉ mới vào lúc 13h30’, các nhà đầu tư đã râm ran về việc nghẽn mạng. Sau đó, rất nhiều nhà đầu tư cho biết họ không thể đặt lệnh mua cổ phiếu. Điều này khiến cho nhà đầu tư bức xúc. Tình trạng phổ biến là bảng điện trong nhiều quãng thời gian gần như đứng hình, trước đó giá nhảy loạn xạ, khiến nhiều nhà đầu tư mua bán chứng khoán không khác gì kiểu “bịt mắt dò đường”. Tệ hơn, lệnh mua và bán đều không thể đưa vào hệ thống.
Trong khi sàn HoSE bị "nghẽn lệnh" từ khá sớm thì giao dịch trên HNX và UPCoM vẫn diễn ra bình thường. Hiện hệ thống của HoSE chỉ xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên và đã được đưa vào vận hành hơn 20 năm. Từ cuối năm 2020, khi thanh khoản thị trường tăng vọt lên trên 10.000 tỉ đồng/phiên, cộng với lượng tài khoản mới được mở liên tục đạt kỷ lục, hệ thống giao dịch của HoSE liên tục bị nghẽn. Bảng điện tử không hiển thị trạng thái giao dịch kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ tới giao dịch cũng như tâm lý đầu tư. Hệ thống giao dịch mới đang được nghiên cứu, và sớm nhất đưa vào vận hành cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Câu chuyện nghẽn lệnh của HoSE đang là vấn đề nóng. Và mới đây, HNX lấy ý kiến khảo sát của các công ty chứng khoán (CTCK) về thời gian CTCK cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm tại các CTCK nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán hiện đang giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) sang hệ thống của HNX. Các cổ phiếu chuyển sàn bắt buộc này sẽ được giao dịch trên một bảng điện mới. Tuy nhiên vẫn tuân thủ các quy định của HSX về biên độ, kết cấu phiên, hay bước giá. Đây được xem là giải pháp tình thế nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn lệnh trên HoSE thời gian gần đây.
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán sau khi khảo sát cho rằng sẽ phải mất khoảng 1-2 tháng để chỉnh sửa hệ thống giao dịch, sau khi phương án "di cư chờ hệ thống mới" được cơ quan quản lý thông qua. Ngoài ra, do mới lấy ý kiến các CTCK về hệ thống của công ty có đáp ứng được việc chuyển đổi, chưa có các tiêu chí về nhóm cổ phiếu nào sẽ chuyển sang giao dịch hệ thống trên HNX, khối lượng dự kiến chuyển và liệu có lấy ý kiến các doanh nghiệp trong nhóm cổ phiếu đó về việc đồng ý chuyển hay không..., nên cũng vẫn còn một số thắc mắc từ phía các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán cũng chưa nhận được các miêu tả kỹ thuật để ước dung lượng, kéo đường truyền và chỉnh sửa cấu trúc hệ thống. Các CTCK sẽ phải làm việc với nhà cung cấp hệ thống và sẽ tốn một khoản chi phí không nhỏ. Giải pháp chuyển một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX sẽ phải chờ quyết định cuối cùng từ cơ quan quản lý.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện chỉ trông chờ vào hệ thống giao dịch mới của HoSE được vận hành và đi vào hoạt động, sớm nhất cũng phải tới cuối năm 2021. Mặt khác, việc thử nghiệm vận hành hệ thống này bị chậm trễ do các chuyên gia Hàn Quốc không sang được Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trên thị trường vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về phương án mà HNX đang khảo sát theo yêu cầu Uỷ ban chứng khoán nhà nước. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là việc chuyển một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX có thật sự giải quyết được tình trạng nghẽn hệ thống giao dịch? Bởi vì có những phiên giao dịch giá trị tới gần 20.000 tỉ đồng, hệ thống không bị treo, trong khi có nhiều phiên thanh khoản chỉ tới mốc 14.000 - 15.000 tỉ đồng là đã nghẽn. Trong lúc chờ đợi, nhà đầu tư vẫn phải tiếp tục "thích nghi" với hệ thống bảng điện lỗi.
Xem thêm: odl.070588-esoh-nert-hnel-nehgn-gnohc-av-pahc-pahp-iaig-ev-ioh-uac-ueihn/et-hnik/nv.gnodoal