vĐồng tin tức tài chính 365

Cha đẻ của bia "biển đảo": "Thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!"

2021-03-05 09:50

Trần Song Hải - chủ công ty sản xuất bia Trường Sa, Hoàng Sa, là một cái tên khá quen thuộc trong làng bóng đá Việt. Anh từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam, Chủ tịch Hội CĐV Sài Gòn và là người đã gửi những chai rượu tự trọng đến VFF gây xôn xao một thời.

Hiện tại, anh Hải đang làm chủ hai công ty: DPConsulting – phân phối máy phát điện và thủy động cơ; và GreenlinesDP – cung cấp dịch vụ tàu cao tốc trên sông Sài Gòn. Mới đây, vị doanh nhân này lấn sân sang làm bia và lập tức gây sốt khi sản phẩm mới ra mắt mang tên cực ấn tượng: Trường Sa, Hoàng Sa.

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 1.

Anh đặt tên thương hiệu bia của mình gắn với biển đảo Tổ quốc. Tên của anh – Song Hải – cũng gắn với biển cả. Chuyện này có gì đặc biệt không?

Rất đặc biệt. Vì hồi 1971-1972, ba tôi tham gia đưa tàu Trần Khánh Dư (HQ4) được Mỹ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa về nước. Năm 1974, con tàu ấy tham gia hải chiến Hoàng Sa.

Tôi không biết nhiều về cuộc chiến đó. Chỉ nghe ba kể lại, khi ông đang lênh đênh trên biển, thì má sinh tôi ở Gia Định (nay thuộc TP.HCM). Vì thế, ba má đặt tên tôi là Hải. Và vì cả hai người đều họ Trần, nên lấy chữ đệm là Song.

Ba anh đã ảnh hưởng tới anh như thế nào?

Ba tôi là người rất yêu biển. Từ nhỏ, ông kể với tôi rất nhiều chuyện về những con tàu. Mỗi khi tan học, ba thường đợi ở cổng trường, rồi đưa tôi ra thẳng bến Bạch Đằng. Chỉ có hai người ngồi đó, cứ thế hàng giờ liền. Nhìn ra mặt sông mênh mang, gương mặt ba nghiêm túc như một thầy gia sư.

Ông giảng giải cho tôi hiểu, những con tàu này thì ở trên đó tổ chức như thế nào, tại sao người đi biển xưa kia không có GPS mà họ vẫn định vị được, họ phải giỏi cỡ nào, được đào tạo, học hỏi ra sao…

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 2.

Có một chuyện tôi rất nhớ, đó là lý do vì sao người lính Hải quân luôn đáng được tôn vinh?

Ba giải thích rất nhiều lần rằng, khi lâm trận họ không có đường lùi. Họ buộc lòng phải bảo vệ con tàu, bảo vệ biển đảo của quê hương. Và nếu đối phương có vũ khí hiện đại hơn, chắc chắn người lính sẽ hy sinh. Vì thế, phải có ý chí sắt đá, tình yêu Tổ quốc lớn lắm, họ mới dám đem thân mình ra khơi.

Sau này khi thống nhất đất nước, ba không bỏ chạy mà đi học tập cải tạo. Và khi tôi lớn lên, lý lịch của ba chưa từng gây ảnh hưởng. Mọi người dường như đều gác lại quá khứ.

Tôi rất biết ơn tình yêu thương đầy bao dung ấy. Càng biết ơn sâu sắc vì Tổ quốc mình là nơi đi đầu trong vấn đề xóa bỏ hận thù.

4 năm trước, lời trăn trối cuối cùng ba nói với tôi trước khi nhắm mắt vẫn là câu chuyện dài – điều mà ông đã dành trọn cả cuộc đời để kể cho tôi nghe.

Chuyện của ba đã là quá khứ, đừng bị ảnh hưởng bởi nó. Cố gắng mà làm tốt, bất cứ ở vị trí nào, bất cứ ở đâu, bất cứ khi làm gì, phải luôn luôn nhớ: con là người Việt Nam! Phải làm tất cả mọi thứ để giúp Tổ quốc và giúp cho việc bảo vệ toàn vẹn biển đảo”.

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 3.

Nếu như thế, vì sao anh lại muốn đi làm bia?

Có lẽ, chuyện làm bia bắt đầu từ bóng đá. Từ 1995 đến giờ gần 30 năm, tôi luôn là CĐV máu lửa. Mỗi năm, tôi nghỉ 1-2 tuần chỉ để đi theo đội tuyển Việt Nam, sang tận nước ngoài cổ vũ.

Chẳng có môn thể thao nào giống như bóng đá! Thắng thì hàng triệu người vui như đám cưới, thua thì buồn như đám ma. Và dù khóc hay cười, anh em CĐV chỉ cần ngồi lại, uống với nhau ly bia thì niềm vui sẽ nhân lên, mà nỗi buồn thì dịu lại. Tôi nghĩ, bia là thứ thật thú vị. Nó có tính kết nối cực cao.

Một lần đi công tác ở Đức, tôi thấy bia của nước họ quá tốt. Tôi nghĩ, mình nhất định phải đem cái hay này về Việt Nam. Ít nhất, để khi xem bóng đá, người ta có một thứ bia thật ngon để mà chung vui, sẻ buồn.

Chứ thực sự trong thâm tâm, tôi luôn muốn khuyên mọi người: thứ nhất nếu không biết uống thì đừng cố uống bia, thứ hai là nếu biết uống thì cũng hãy chú ý gìn giữ sức khỏe, sự an toàn của bản thân.

Có rất nhiều người nói, anh đặt tên bia là Trường Sa, Hoàng Sa chẳng qua cũng chỉ vì muốn quảng bá để thu hút sự chú ý?

Cái đó là 9 người 10 ý. Ai có ý kiến như vậy, tôi cũng tôn trọng. Nhưng tôi nghĩ, khi mình đặt tên như vậy thì ý đồ lớn nhất là nhắc mọi người về ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khi người ta uống bia, thay vì hò dô, họ hãy hô to rằng: Hoàng Sa, Trường Sa mãi là của Việt Nam.

Và tôi mong mọi người cũng đừng uống bia nhiều, mà hãy dùng nó như “chất mồi” để đẩy đưa câu chuyện, về việc chúng ta cần hành động làm sao để có trách nhiệm với Tổ quốc.

Tức là ngay từ khi bắt đầu muốn làm bia, anh đã nhắm tới 2 cái tên ý nghĩa này?

Thực ra, thức uống dù có ngon cách mấy, cũng chỉ là phần vật chất. Phần hồn của nó, mình phải truyền vô đó một cái gì rất lửa.

Khi bắt đầu làm bia, tôi đã nghĩ phải gắn với nó một điều gì đó rất tự hào dân tộc.

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 5.

Tình cờ một hôm, tôi dự lễ đón tiếp tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ vào thăm Đà Nẵng. Tôi đánh liều, đem loại bia mình đang sản xuất ra mời những lãnh đạo Hải quân hai nước Việt - Mỹ. Mọi người uống xong, đều khen ngon. Và trong cuộc trò chuyện, khi vẫn đứng trên boong tàu giữa biển khơi mênh mông, một vị Sĩ quan của Quân chủng Hải quân bỗng trầm lại.

Nhìn xuống ly bia vàng óng cầm trên tay, anh giơ lên và hỏi một câu đầy trăn trở: “Trung Quốc có bia Thanh Đảo, Nhật Bản có bia Sapporo và Kirin. Đây đều là những hòn đảo nổi tiếng của Trung Quốc và Nhật Bản. Còn Việt Nam lại không có tên bia nào gắn với hòn đảo nào. Ít ra, chúng ta cũng nên có bia Hoàng Sa, Trường Sa chứ?”.

Câu hỏi ấy làm tôi giật mình. Trong hiểu biết của tôi, nước ta thậm chí còn chưa có một sản phẩm nào nổi tiếng mang tên để tri ân hai hòn đảo thiêng liêng ấy.

Vậy nên chuyện đặt tên bia, tưởng như là một sự tình cờ, nhưng nó cũng là sự tất yếu khi từ nhỏ tới lớn, bất kể làm gì, đích cuối cùng của tôi vẫn hướng về biển đảo.

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 6.

Quá trình làm ra loại bia có tên đặc biệt như vậy, có gì đặc biệt không?

Khi làm vỏ lon, tôi rất muốn làm sao cho chữ Hoàng Sa, Trường Sa phải thật nổi bật, màu sắc bắt mắt và vỏ lon phải có cả hình bản đồ chủ quyền nữa.

Tôi tìm đến một công ty chuyên làm vỏ lon vô cùng nổi tiếng ở Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam. Ý tưởng của tôi khiến họ ngạc nhiên. Lần đầu tiên có người muốn họ in cả bản đồ đất nước lên vỏ lon bia. Họ hỏi tôi, sao lại có chuyện lạ lùng này? Tôi kể cho họ nghe câu chuyện rất dài về hai hòn đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Rằng Việt Nam có hai hòn đảo như thế, bao năm qua bị Trung Quốc ngang nhiên làm sai như thế.

Rõ ràng là đảo của nước ta, mà họ đi rêu rao khắp nơi là của họ. Năm 1974, Trung Quốc còn trực tiếp gây ra hải chiến Hoàng Sa, khiến người Việt phải đổ máu.

Bây giờ Trung Quốc còn tập trận ở biển Đông, nói rằng sẽ bắn tàu lạ của nước ngoài vi phạm lãnh hải của nước họ, mà cái lãnh hải ấy, cũng là do tự họ đặt ra.

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 7.

Nghe vậy, những nhà lãnh đạo của công ty ở nước Mỹ rất đồng cảm. Họ nói: “Ý tưởng của các anh quá hay. Các anh cứ làm đi. Chúng tôi sẽ ủng hộ Việt Nam bằng cách giảm giá 7%”.

Nghe đến đó, tôi xúc động muốn đỏ cả hai mắt. Vì mình làm kinh doanh mấy chục năm, nên rất hiểu chữ 7% ấy nó lớn, ý nghĩa như thế nào, nhất là trong bối cảnh công ty nào chẳng khó khăn vì dịch bệnh.

Rồi khi đi gặp đơn vị bán hương liệu và nguyên liệu ở Đức, Pháp, New Zealand, Thụy Sỹ, nghe xong câu chuyện, người ta cũng lập tức giảm giá. Đấy là sự giảm giá có thật, là tình cảm có thật của những người cách xa mình tới nửa vòng trái đất.

Ngay cả các chuyên gia ở Đức, Thụy Sỹ tôi mời về nghiên cứu bia, họ cũng làm việc hết mình, làm đến mức muốn “bể cả óc”. Vì thực sự làm bia cho người Việt đâu dễ!

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 8.

Khó ở điểm gì vậy?

Khó ở chỗ, tại phương Tây, “mồi nhậu” chỉ giới hạn là: xúc xích, phô mai, gà chiên… Và người ta luôn trữ lạnh bia để bảo quản, khi uống thì không thêm nước đá nên không bị loãng và mất vị.

Còn người Việt thì uống bia với tất cả loại đồ ăn, từ nem rán, đậu phộng, thịt luộc, cho đến đồ chiên, xào… Đã vậy họ còn không có thói quen để bia trong tủ lạnh, nên bia tươi rất dễ hỏng. Khi uống thì lại thích cho thêm nước đá vào.

Các chuyên gia Đức, Thụy Sỹ nghe tôi nói muốn làm ra một loại bia đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đó thì họ đều bật cười. Họ nói: Trời đất ơi. Thế là muốn làm loại bia khó nhất thế giới rồi chứ còn gì!

Và họ đã làm ra loại bia “khó nhất thế giới” ấy như thế nào?

Những chuyên gia tôi mời về đều là các nhà quản lý chuyên nghiệp và ngành bia chỉ là sở thích riêng. Đây cũng là đặc thù của ngành bia thủ công ở Đức. Và vì làm bởi đam mê, nên họ cũng thấy thử thách làm bia cho người Việt thật thú vị.

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 9.

Nhóm chuyên gia nhiều lần phải bỏ ăn, bỏ ngủ để nghiên cứu. Họ hì hục thử nghiệm, nhờ hết người này tới người kia trên khắp thế giới để tìm ra hương liệu phù hợp. Vì hương liệu phải đáp ứng hết các tiêu chí đó, nhưng vẫn chất lượng, và phải hợp với túi tiền không mấy rủng rỉnh của đại đa số người Việt. Tìm xong thì họ nấu đi, nấu lại tới 5-6 lần mới có được công thức chuẩn.

Mỗi lần nấu không đạt, cả nhóm đều rất lo lắng. Cuối cùng, sau 7 tháng làm việc cật lực, sản phẩm mới hoàn thành.

Ngày đầu tiên ra bia đúng vào ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hôm 22/12/2020, tôi tổ chức lễ thử bia, và mời mọi người uống thì họ bảo: ô, cái này hấp dẫn á.

Nhưng các chuyên gia tận tâm tới mức, họ vẫn muốn chỉnh sửa thêm cho hoàn hảo. Ngay cả bây giờ, họ vẫn chưa dừng việc nghiên cứu mà còn muốn chinh phục thử thách khác. Tức là làm ra loại bia thật ngon, chất lượng của Đức, nhưng hương vị thuần Việt, để người Việt có thể thật sự tự hào.

Sẽ là những thứ rất thân thuộc với mọi người. Đó là bia hương cốm, hương cam, hương cóc hay thậm chí cả... thanh long…

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 10.

Dường như dù mới lấn sân, nhưng anh có khá nhiều mục tiêu trong ngành sản xuất bia?

Tôi đã tốn khá nhiều tiền để đầu tư. Nhưng thực sự thị trường đang cạnh tranh quá khốc liệt và ngành bia cũng đã có nhiều “ông lớn” rồi. Chính tôi cũng không biết, sản phẩm của mình có thể tồn tại được bao lâu.

Cũng có nhiều thứ tôi không thể lường trước. Ví dụ, khi thắt chặt Nghị định 100 thì người dân có thể sẽ không sử dụng bia nữa. Hoặc dịch Covid-19 kéo dài khiến công ty gặp khó…

Chỉ có một mục tiêu chắc chắn mà tôi nghĩ mình đã làm được, đó là những lon bia này sẽ gợi nhắc cho người dân về lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Còn những thứ xa xôi như phát triển này nọ, đánh bại công ty A, công ty B thì tôi chưa từng dám nghĩ qua.

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 11.

Nghe vậy giống như là anh đang muốn nói, mình thích làm bia chỉ là vì đam mê! Nhưng đã kinh doanh thì ai mà chẳng muốn vì một thứ nào đó?

Đương nhiên, ai làm kinh doanh cũng là vì chén cơm manh áo, nhưng tôi nghĩ, ta đừng bao giờ đặt mục tiêu lợi nhuận, danh tiếng lên cao nhất và nghĩ đến nó đầu tiên.

Ngay khi những lon bia vừa “ra lò”, tôi đã gửi tặng tới UBND huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Mọi người đều rất thích và còn gợi ý: nếu sau này làm tốt thì hãy trích lợi nhuận bán bia ra để làm các hoạt động ý nghĩa cho biển đảo. Tôi thấy gợi ý đó rất hay và chắc chắn trong tương lai sẽ làm.

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 12.

Tại sao anh lại chọn đích như thế?

Vì tình yêu biển đảo mà ba gieo cho tôi từ nhỏ. Trước kia, tôi chỉ muốn làm người lính Hải quân nhưng không có duyên. Mộng binh nghiệp không thành, nên tôi mới đi kinh doanh (cười). Nhưng tôi nói rồi đó, dù kinh doanh gì, thì tôi cũng vẫn hướng về biển đảo thôi.

Anh đã hướng về biển đảo như thế nào?

Hiện nay, công ty tôi chuyên phân phối động cơ Roll Royce (thương hiệu của Đức xếp hàng đầu thế giới về sản xuất động cơ máy bay và các loại động cơ khác), nên được cấp những dự án rất quan trọng cho lực lượng chấp pháp như: cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư, tìm kiếm cứu nạn… Những đơn vị đó có tính cống hiến vì đất nước ghê lắm. Nên tôi cũng được họ truyền cảm hứng mỗi ngày.

Rất nhiều lần tôi đã đứng ra đàm phán, để nước ta trang bị được động cơ Rolls Royce hiện đại với chi phí thấp nhất có thể. Tôi rất tự hào, khi góp phần giúp cho nhiều tàu quân sự và dân sự của nước ta chạy nhanh, khỏe, an toàn hơn.

Chúng tôi còn tặng máy phát điện cho Trường Sa. Khi dịch Covid-19 bùng lên, chúng tôi cũng không ngại chuyện mình đang thua lỗ, mà cho các bệnh viện dã chiến thuê hơn 40 chiếc máy phát điện miễn phí, phòng trường hợp mất điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh nhân.

Tôi cũng có đam mê vô cùng lớn về du lịch biển đảo. Hiện giờ, các con tàu: Côn Đảo Express, Phú Quốc Express,… đều của công ty tôi hoặc do chúng tôi liên doanh với đối tác.

Đã tâm huyết như vậy, vì sao công ty anh vẫn có những sự cố?

Chắc bạn đang muốn nói đến vụ chìm tàu cao tốc trên sông Sài Gòn năm 2017?

Đó là một tai nạn. Do trước đó 3 ngày, đơn vị chuyên bảo dưỡng tàu mà chúng tôi thuê về bảo trì, đã gây ra lỗi. Rất may, năm đó không có thương vong về người.

Nhưng tôi đã chấp nhận một thiệt thòi rất lớn. Chỉ một con tàu bị sự cố, mà cả lớp tàu đó 3 chiếc đến giờ vẫn nằm không. Dù sau khi tái kiểm định, chúng đã được phép khai thác, nhưng tôi vẫn kiên quyết dừng, thiệt hại hơn 40 tỷ đồng khiến công ty lao đao.

Biết bao người trách tôi: tự dưng muốn làm thứ khác người nên mới gặp họa. Vì trước tôi, cũng đã từng có một công ty làm nhưng thất bại, tàu bị cháy và họ đã bỏ cuộc.

Nhưng vì lòng quyết tâm và sự tử tế, công ty Z189 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - đã cố gắng giúp chúng tôi đóng lại tàu mới rất hiện đại. Khi sự cố xảy ra, Sở GTVT TP.HCM bất ngờ xuống tận công ty động viên mọi người. Họ vỗ vai tôi, nói: Cố lên Hải. Câu nói ấy khiến tôi rất ngạc nhiên.

Đến bây giờ, tôi rất tự hào vì là người duy nhất ở TP.HCM còn làm du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn.

Nhiều người nói tôi khùng, nhưng ngay từ khi bắt đầu, tôi lại nghĩ hơi ngược: Trời ơi sướng quá trời quá đất luôn. Thị trường hay như vậy mà chỉ có mình tôi làm. Thế thì chỉ cần trụ được là mình thắng, vì chẳng có ai thèm cạnh tranh (cười).

Cha đẻ của bia biển đảo: Khi uống bia, thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! - Ảnh 14.

Có ai nói với anh như thế là rất “dị” không?

(Cười lớn) Bạn biết không, ngay cả khi dịch Covid-19 bùng lên, tôi chưa hủy chuyến tàu nào. Có lúc chỉ 2-3 người/ chuyến, tàu cũng chạy. Có khách đi tàu 150 chỗ mà chỉ có 5 người, thấy rộng rãi, sướng quá liền lên mạng khen quá trời. Đọc được những dòng đó, tôi thấy rất phấn khởi, dù công ty thì vẫn thua lỗ quá chừng, giảm tới 70% doanh thu và vẫn đang cố cầm cự từng ngày chờ cơn bão dịch bệnh qua đi!

Nhưng tôi nghĩ, khó tới đâu thì khó, đã làm kinh doanh, phải giữ được chữ tín. Tôi coi tất cả việc mình làm, chỉ là trách nhiệm bình thường của một công dân thôi, chẳng có gì cao cả hết.

Ngay cả khi làm bia, tôi cũng nói với mọi người: cái này là tôi thích quá rồi, nên cứ làm. Chứ thực sự mọi người cũng cản dữ lắm. Năm nay Covid-19 bùng lên khiến công ty gặp khó, nhưng vì kế hoạch này đã có từ trước, nên tới ngày tới giờ thì sản phẩm vẫn phải ra mắt.

Dù phía trước, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về bia, càng không biết tương lai nó tồn tại được bao lâu. Nhưng tôi tin, mình cứ làm với cái tâm chân thành, không đặt lợi về mình lên hàng đầu thì sẽ nhận sẽ nhận được sự hỗ trợ của mọi người để vượt qua khó khăn!

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!


Xem thêm: mth.93192745130301202-man-teiv-auc-al-as-gnourt-as-gnaoh-ot-oh-yah-od-oh-iv-yaht-aib-gnou-ihk-oad-neib-aib-auc-ed-ahc/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cha đẻ của bia "biển đảo": "Thay vì hò dô, hãy hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools