Chiều 6/3, hội nghị "Đối thoại 2045" được Chính phủ tổ chức nhằm mục tiêu lắng nghe ý kiến từ giới tinh hoa, đặc biệt là các trí thức và doanh nhân. Trong đó muốn lắng nghe ý kiến về chiến lược phát triển, những sách lược, những khát vọng để thực hiện mục tiêu đã nêu ra.
Không chỉ nêu tình hình, Chính phủ muốn lắng nghe những giải pháp phát triển, những hiến kế để phát triển đất nước trong bối cảnh mới toàn cầu và Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc "Đối thoại 2045", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước.
LẮNG NGHE GIỚI TINH HOA, TRÍ THỨC VÀ DOANH NHÂN
Thủ tướng cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là nhiệm kỳ gần đây, chúng ta đạt nhiều thành công trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế đều giữ vững và tăng cường, đời sống của nhân dân mọi vùng miền tổ quốc được cải thiện rõ nét, niềm tin của nhân dân ngày càng được khẳng định vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Quy mô kinh tế nước ta đã có bước phát triển nhanh, từ đứng thứ 55 đã lên thứ 40 hiện nay… Tuổi thọ người dân tăng và ngang bằng các nước tiên tiến.
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu một vài thách thức trên chặng đường hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đó là thu nhập bình quân đầu người của nước ta vẫn thuộc nhóm trung bình thấp. Các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm chưa vững chắc. Quy mô kinh tế tăng lên nhưng quy mô tính GDP bình quân đầu người hay tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa diễn ra chậm, năng lực cạnh tranh của ngành và quốc gia chỉ ở mức trung bình thế giới.
Bên cạnh đó, các nút thắt phát triển chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, năng suất lao động chậm phát triển. Những vấn đề lớn như quản trị quốc gia, quản trị các thành phố lớn, thậm chí các trường đại học còn nhiều bất cập. Một số thách thức ngày càng lớn hơn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… đang diễn ra nhanh, thậm chí rất nhanh.
Thủ tướng nhắc đến 2 di nguyện của Bác Hồ trước khi qua đời là: Tổ quốc sẽ thống nhất hai miền Nam Bắc để dân tộc Việt Nam là một và một Việt Nam trở nên vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu.
"Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện lớn thứ hai của Người về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực. Mục tiêu to lớn, xuyên suốt của chúng ta là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", Thủ tướng nói.
Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đương những công việc lớn của đất nước.
"Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, cần phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo.
"Bác Hồ đã từng nói: Mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang", Thủ tướng bày tỏ. "Chính phủ và bản thân tôi mong mỏi tất cả chúng ta, từ cán bộ đảng viên đến người dân, doanh nghiệp, đến những tri thức đều thấm nhuần điều này và có tinh thần như đầu nhiệm kỳ tôi đã báo cáo, chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Đó cũng chính là tinh thần tuyệt vời của chúng ta trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua".
ĐỐI THOẠI 2045 SẼ ĐƯỢC TỔ CHỨC ĐỊNH KỲ
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng chương trình "Đối thoại 2045", góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã nêu.
Thủ tướng nêu rõ, "Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức định kỳ, trực tiếp và cả trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng.
Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các "Đối thoại 2045".
Chính thức công bố chương trình "Đối thoại 2045" lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 tại Hội trường Thống nhất, Tp.HCM, Thủ tướng nêu rõ, đối thoại này sẽ được tổ chức hằng năm dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để lắng nghe các tầng lớp tinh hoa.
"Hôm nay chỉ là mở đầu, còn tiếp theo sẽ có nhiều cuộc đối thoại khác. Tôi tin rằng những doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào tinh thần hướng tới một Việt Nam 2045", Thủ tướng nhấn mạnh.